Cử tri Hậu Giang: Tinh gọn bộ máy cần thực hiện khách quan, chống “chạy chọt"

Cử tri Hậu Giang cho rằng quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần thực hiện khách quan, nghiêm minh, chống “chạy chọt,” chống lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu dự cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu dự cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 14/12, tại thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến một số điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Cử tri Nguyễn Văn Hiệp, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ đồng tình cao với chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập địa giới hành chính và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức.

Cử tri đề nghị có chính sách ưu đãi nhiều hơn để cán bộ, công chức yên tâm tự nguyện tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Trung ương.

Một số cử tri cho rằng quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần thực hiện khách quan, nghiêm minh, chống “chạy chọt,” chống lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ đạo đức xuống cấp, năng lực yếu kém.

TTXVN_1412 Chu tich Quoc hoi 3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu dự cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cử tri Nguyễn Trọng Phúc Lộc, thành phố Vị Thanh đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với nhiều quyết sách quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, phát triển kinh tế-xã hội đất nước như: thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...

Cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đầu tư cho giáo dục-đào tạo; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tăng phụ cấp cho các đối tượng thương binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng.

Các cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét quy định chế độ phụ cấp cho chức danh Trưởng ban, Phó ban đối với hai Ban Hội đồng nhân dân cấp xã; quan tâm chính sách, chế độ tiền lương đối với cán bộ cấp xã...

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó, dự kiến năm 2024 đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của cả năm.

Tăng trưởng GDP quý 4 phấn đấu đạt khoảng 7,5%, cả năm đạt trên 7%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. An sinh xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được quan tâm; quốc phòng, an ninh cơ bản được bảo đảm...

Đối với tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực khi 18/18 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 đạt và vượt. Thu ngân sách đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch...

TTXVN_1412 Chu tich Quoc hoi 7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, tỉnh Hậu Giang chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật vào sản xuất...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đã xem xét, quyết định khối lượng nội dung rất lớn; biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính-ngân sách... nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới. Trong đó, có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như: chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân như: Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Những quyết sách này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, chăm lo đời sống của nhân dân là hàng đầu.

TTXVN_1412 Chu tich Quoc hoi 6.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị không chỉ tỉnh Hậu Giang mà cả nước, cả hệ thống chính trị phải quan tâm, thực hiện ngay, thực hiện hiệu quả trong thực tế thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong đó, thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như một lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Bên cạnh đó, cải cách mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.

Tới đây, Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong sắp xếp từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, nhằm giảm bộ máy cồng kềnh, hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Đồng thời, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm,” chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện hiệu quả thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số với toàn dân, toàn xã hội để mọi người biết sử dụng, biết tự bảo vệ mình. Trước đây có bình dân học vụ để xóa mù chữ, hiện nay cần có bình dân học vụ để phổ cập về chuyển đổi số.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thông điệp về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mang tính thức tỉnh sâu sắc; đây không chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Tổng Công ty Dầu Việt Nam trao 4 tỷ đồng tặng thành phố Vị Thanh nhằm hỗ trợ địa phương có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, giải quyết việc đi lại thuận tiện cho người dân đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục