Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND

Ngày 7/5, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Châu Thành, An Giang.
Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND ảnh 1Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ, trao đổi với các cử tri trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, ngày 7/5, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, thuộc Đơn vị bầu cử số 1 và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, thuộc Đơn vị bầu cử số 4 đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Châu Thành.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri được nghe chương trình hành động của từng ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2021-2026.

Cử tri cho rằng, chương trình hành động của các ứng cử viên nhìn chung đều tập trung vào tiến trình kiến thiết, xây dựng, phát triển kinh tế của tỉnh An Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Có những chương trình hành động còn nêu ra từng việc sẽ làm cụ thể, xác thực với đời sống như: đào tạo và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn; đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, nâng cao thu nhập cho người dân…

[Bình Thuận: Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri]

Cử tri thị trấn An Châu mong muốn, thời gian tới, nếu các ứng viên trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 cần mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo cử tri, An Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung được xem là vựa lúa, cá lớn nhất của cả nước, nơi “gánh” trọng trách đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu, nhưng thời gian qua chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức.

Hạ tầng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu, yếu và thiếu sự đồng bộ. Hiện cả khu vực mới chỉ có 2 -3 tuyến đường cao tốc,việc kết nối, hoàn thiện hạ tầng giao thông với Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực khác của nước còn gặp nhiều khó khăn. Đây là trở ngại trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Cử tri mong muốn các ứng viên nếu trúng cử cần quyết liệt “đeo bám,” thúc Bộ Giao thông Vận tải sớm khởi công xây dựng tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên, An Giang nhằm giảm tải áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 91 hiện đã quá tải, từ đó, tạo dư địa mới thúc đẩy kinh tế tỉnh An Giang phát triển hơn.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã đưa ra nhiều ý kiến vừa mang tính đánh giá, vừa giúp cho từng ứng cử viên có thể chọn lọc, bổ sung thêm vào chương trình hành động của mình.

Cử tri cho rằng, song song với việc đề ra những mục tiêu, việc làm trong chương trình hành động của mình như: nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ cho quá trình phát triển địa phương, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân…, các ứng viên cần đi sâu vào những vấn đề cụ thể của từng vùng, từng địa bàn, từng đối tượng dân cư, mang tính đặc thù, đặc trưng khác nhau để có chương trình phù hợp khi thực hiện nhiệm vụ và cử tri cũng dễ theo dõi, giám sát.

Mỗi người ứng cử nếu trúng cử nên tập trung kiến thiết cũng như mạnh dạn kiến nghị, đề xuất, chuyển tải những ý kiến, đề xuất chính đáng của người dân đến với nghị trường Quốc hội, các cơ quan ở Trung ương để nguyện vọng của của cử tri sớm được thực hiện.

Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND ảnh 2Cử tri phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xem danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử HĐND tỉnh khóa X. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Trong ba ngày (5-7/5), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 100 cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tại 20 đơn vị bầu cử.

Hội nghị tiếp xúc, vận động bầu cử giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và cấp xã sẽ do các huyện chủ động sắp xếp, tổ chức theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại các hội nghị tiếp xúc, cử tri Đắk Lắk đã được nghe tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của từng người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Đa số cử tri nhận xét, chương trình hành động của người ứng cử được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện được năng lực và trình độ của mỗi ứng cử viên.

Cử tri thẳng thắn chất vấn những người ứng cử về một số nội dung liên quan tới lĩnh vực đang phụ trách; đồng thời kiến nghị, các ứng cử viên nếu trúng cử trong nhiệm kỳ 2021-2026 cần lắng nghe ý kiến của người dân, đưa chương trình hành động thành việc làm cụ thể, có hiệu quả.

Cử tri Trịnh Xuân Dũng, tổ dân phố 9, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ông tin tưởng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh sẽ thành công tốt đẹp.

Ông kỳ vọng, những người ứng cử nếu trúng cử sẽ thực hiện tốt chương trình hành động đã cam kết, cố gắng nỗ lực, sâu sát với nhân dân, với cơ sở để nắm bắt tình hình và kịp thời phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của cử tri lên cơ quan có thẩm quyền.

Theo cử tri Hồ Thị Nhung, tổ dân phố 3, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, nguyện vọng của cử tri rất nhiều, song, một nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân dân chỉ có 5 năm.

Do đó, cử tri mong muốn, những người ứng cử sau khi trúng cử sẽ nhanh chóng đưa chương trình hành động vào thực hiện, làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử để cùng Hội đồng Nhân dân tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.    

Tại các hội nghị tiếp xúc, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được chú trọng như: bố trí nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang, hướng dẫn cử tri ngồi giãn cách… 

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La, ngành Y tế tỉnh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh siết chặt biên giới, tạm dừng các hoạt động không cần thiết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; kích hoạt tổ phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng; kích hoạt các khu cách ly của tỉnh, huyện theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 gắn với quá trình chuẩn bị và diễn ra cuộc bầu cử. 

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và điểm bầu cử, ngành Y tế tỉnh quán triệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K, bố trí nhân viên y tế túc trực và lên kế hoạch phân luồng, giãn cách, cách ly tùy vào tình hình dịch ở mỗi thời điểm…

Nếu dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh theo diện rộng hoặc bùng phát, ngành Y tế sẽ huy động toàn bộ sinh viên năm cuối, giảng viên khoa Y, Dược (hiện đã được ngành tập huấn) của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tham gia chống dịch COVID-19 ở các điểm bầu cử.

Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Tính đến ngày 6/5, tỉnh đã tiêm 17.806 liều vaccine phòng COVID-19, đạt 92,1%.

Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND ảnh 3Các cử tri phường Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Ngày 7/5, tại các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2021-2026, hội nghị tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh để vận động bầu cử đã diễn ra. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, sau khi nghe tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, cử tri đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của những người ứng cử, xây dựng chương trình hành động có tính khoa học, sát thực tế, đề ra các mục tiêu cụ thể và tính khả thi cao.

Cử tri tại đơn vị bầu cử số 1, thành phố Phủ Lý mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử sẽ thực sự là người đại diện cho tiếng nói, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương.

Đồng thời, cử tri kiến nghị cần quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết các vấn đề: môi trường, nước sạch, xử lý nước thải, chất thải tại khu công nghiệp; giáo dục, đào tạo nghề; phân luồng hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố Phủ Lý trở thành đô thị loại I… 

Cử tri ở đơn vị bầu cử số 5, thị xã Duy Tiên bày tỏ mong muốn những ứng cử viên khi trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh thực hiện đúng cam kết trong chương trình hành động, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, giải quyết một số vấn đề như ô nhiễm môi trường (tại các khu chăn nuôi, làng nghề, sông Châu Giang…); giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp; phát triển công nghiệp -dịch vụ; đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng; xây dựng thương hiệu nông sản… 

Cử tri tại đơn vị bầu cử số 11, huyện Bình Lục đề nghị các ứng cử viên khi trúng cử quan tâm giải quyết một số vấn đề về chế độ chính sách hỗ trợ để thực hiện các khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp như thu hút, giới thiệu doanh nghiệp đầu tư vào khu quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập; tăng mức hỗ trợ cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở và cựu quân nhân tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc…

Đại diện các ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam bày tỏ trân trọng trước sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri địa phương; tiếp thu, giải trình làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời mong muốn cử tri sẽ lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất để bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2021-2026./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục