Cử tri đánh giá cao nỗ lực điều hành của CP

Cử tri đánh giá cao những nỗ lực điều hành của Chính phủ

Theo dõi phiên trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ ở Quốc hội, cử tri đa số đánh giá cao những nỗ lực của Chỉnh phủ.

Sáng 19/11, Quốc hội nghe và thảo luận về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên họp đã thu hút sự theo dõi của đông đảo cử tri cả nước, qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại một số ý kiến cử tri liên quan đến phiên họp.

Đánh giá cao việc Chính phủ cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội

Cử tri Quảng Ninh đánh giá cao việc Chính phủ đã cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội thành các chính sách đưa vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả bước đầu, đặc biệt là việc chống lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cử tri Nguyễn Duy Phương, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã-Doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, thực hiện chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chương trình hành động "Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm," thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp chế biến tạo ra chuyển biến lớn trong nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Giang - Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ đồng tình với chính sách của Chính phủ trong việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, bởi doanh nghiệp có thể hội tụ đủ các thế mạnh về quản lý, khoa học công nghệ, vốn và có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, sự đầu tư đi trước một bước của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy người dân làm kinh tế theo hướng hàng hóa.

Cử tri Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn đánh giá cao đề xuất của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ cần có những biện pháp tăng cường việc kiểm soát chất lượng thức ăn gia súc, kiểm soát giống, đặc biệt là các giống nông, thủy sản nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Nếu không kiểm soát được về giống sẽ gây ra những rủi ro lớn cho người nông dân. Trên thực tế, người nông dân nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn đã từng bị thiệt hại nặng, thậm chí "trắng tay" với dịch bệnh tu hài năm 2012, do nhập khẩu giống không rõ nguồn gốc.

Nội dung chất vấn "trúng" băn khoăn, suy nghĩ của cử tri

Tiến sĩ triết học Hồ Bá Thâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phiên chất vấn đã thể hiện rõ nét tiến trình dân chủ, tiến bộ của nghị trường khi mà các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề, nói "trúng" những bức xúc của cử tri và nhân dân cả nước như vấn đề lãng phí trong các dự án, ô nhiễm môi trường, xuống cấp đạo đức…

Có không ít đại biểu đã kiên trì “đeo bám” các kiến nghị từng nêu ở các kỳ họp trước và tiếp tục chất vấn tại kỳ họp này với mong muốn tìm ra nguyên nhân và giải pháp giải quyết căn cơ nhất, hiệu quả và hợp lòng dân nhất.

Chính điều này khiến cho những kiến nghị tưởng chừng mới mẻ nhưng thực tế lại rất sát thực, buộc các thành viên Chính phủ có thái độ cầu thị và quyết tâm giải quyết chứ không để rơi vào quên lãng. Điều đó đã thể hiện xu hướng chất vấn, đối thoại dân chủ, phát huy của trí tuệ, quyền hành cũng như trách nhiệm của cử tri trước nhân dân và đất nước.

Theo tiến sỹ Hồ Bá Thâm, phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ ngày càng sát hơn, gọn hơn, thể hiện sự dân chủ trong nghị trường. Nếu phát huy được vấn đề này trong các cuộc họp của Chính phủ cũng như cơ quan Trung ương và công khai đến nhân dân thì hiệu quả chính trị, xã hội sẽ còn lớn hơn nữa. Điều đó còn tạo điều kiện để nhân dân góp ý cũng như cảm thông về những khó khăn, băn khoăn của lãnh đạo đồng thời tìm tiếng nói chung để giải quyết các vấn đề của đất nước.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà các kỳ họp Quốc hội chưa giải quyết được, còn lặp lại, đó là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra sai phạm. Quốc hội cần hành động chứ không chỉ dừng lại ở chất vấn, tức là phải tăng cường giám sát để các cơ quan hành pháp có thái độ cầu thị, thực thi nghiêm pháp luật.

Góp ý vào phần giải trình của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Luật sư Nguyễn Phương Nam (Trưởng Văn phòng Luật sư số 10, Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi Bộ trưởng đề cập tới việc Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp ngành y cùng với việc thành lập đường dây nóng tại cả 3 cấp Bộ, sở, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.

Luật sư Phương Nam cho rằng, Bộ Y tế nên đăng tải rộng rãi dự thảo của Thông tư để mọi cấp, mọi ngành, mọi giới và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham đóng góp ý kiến./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục