Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về các vấn đề liên quan lĩnh vực giao thông vận tải.
Phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri. Phóng viên TTXVN tại một số địa phương ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên chất vấn này.
Cách thức “hỏi nhanh-đáp gọn” phát huy hiệu quả
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV diễn ra vào sáng 4/6 nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân Hà Nội.
Theo cử tri Đỗ Ngọc Giao, kiến trúc sư, chuyên gia về quy hoạch đô thị - Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc Tây Hồ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), những chất vấn của các đại biểu Quốc hội là ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện tinh thần trách nhiệm khi đi thẳng vào các vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Cử tri quan tâm đến những tranh luận liên quan đến dự án BOT, đặc biệt là thất thoát trong các dự án này.
Cử tri Lê Duy Tân, Phường 6, thành phố Cà Mau, nhận xét trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6, đáng chú ý là cách thức "hỏi nhanh-đáp gọn" được áp dụng. Theo cử tri, cách thức này sẽ phát huy hiệu quả bởi hàm lượng câu hỏi được các đại biểu đặt ra không những nhiều mà nội dung, chất lượng câu hỏi đều cao, từ đó không còn tình trạng dài dòng nhưng lại không đi vào trọng tâm.
Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cử tri Lê Duy Tân đánh giá, Bộ trưởng đã có tinh thần cầu thị, tiếp thu và trả lời ý kiến một cách thẳng thắn. Tuy nhiên, đối với nhiều vấn đề, Bộ trưởng vẫn chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Ví dụ như trong phần tranh luận của đại biểu Dương Trung Quốc, vị đại biểu này không tán thành việc Bộ trưởng cho rằng ngành đường sắt không phát triển được là do tham mưu kém.
Về vấn đề này, Bộ trưởng đã tiếp thu ý kiến đại biểu và đã thẳng thắn thừa nhận việc chưa thống nhất được dự án đường sắt nào làm mới đồng thời, Bộ trưởng cũng thừa nhận nếu không thực hiện tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ hạn chế việc phát triển kinh tế đất nước, cử tri rất đồng tình về việc này.
Cử tri Huỳnh Hùng Em, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết qua theo dõi phiên chất vấn, cử tri nhận thấy đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao đối với cử tri cả nước. Đặc biệt, nội dung câu hỏi chất vấn và trả lời tập trung vào những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm như: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông; điều chỉnh, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt; giám sát việc đấu thầu các dự án giao thông, xây dựng trạm BOT, quy định mức giá thu phí tại các trạm BOT…
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã làm sáng tỏ hầu hết vấn đề cử tri quan tâm. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiêm túc nhận trách nhiệm và có giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là điều cử tri tâm đắc.
Cử tri Cà Mau cũng kỳ vọng, Quốc hội sẽ có quyết sách kịp thời, đúng đắn nhằm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông; phát huy hiệu quả các dự án BOT, trạm thu phí trên cả nước.
Giải quyết thấu đáo những tồn tại trong các dự án BOT
Cử tri Đỗ Ngọc Giao, kiến trúc sư, chuyên gia về quy hoạch đô thị - Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc Tây Hồ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng "Dư luận thời gian qua phản ánh rất nhiều về những lỏng lẻo, lỗ hổng gây thất thoát từ quy trình quản lý của các cơ quan chức năng và cần phải có những chấn chỉnh kịp thời. Nhiều câu hỏi đã nêu ra tới cấp có thẩm quyền về việc có khách quan không khi để nhà đầu tư lập dự án để cơ quan quản lý nhà nước thẩm định rồi phê duyệt, cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm, những nhầm lẫn đơn giá định mức, hay chuyện nhầm lẫn trong xác định khối lượng, thẩm định tổng mức đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định hoàn toàn không có thất thoát trong đầu tư BOT. Trong trường hợp nếu có sai sót liên quan tới Bộ Giao thông Vận tải thì Bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật," cử tri Đỗ Ngọc Giao nêu.
Cũng theo cử tri Đỗ Ngọc Giao, để đảm bảo tính minh bạch trong tổ chức thực hiện dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò kiểm toán, cung cấp cho các nhà quản lý, các bên liên quan những thông tin minh bạch, rõ ràng trong quá trình thực hiện dự án BOT, hạn chế việc thất thoát, lãng phí tài sản công và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, vấn đề được cử tri tỉnh Bình Định quan tâm nhất là những tồn tại đối với các dự án giao thông BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Cử tri Nguyễn Bá Quyền (32 tuổi, cử tri ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho biết cử tri rất mong chờ dịp chất vấn lần này để nghe Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời về các vấn đề “nóng” còn tồn tại trong các dự án BOT. Thời gian qua, người dân đã phản ánh nhiều bức xúc liên quan đến việc trạm BOT đặt sai vị trí, việc trạm BOT thu phí không hợp lý.”
Tại Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, cử tri nhận thấy vị trí đặt trạm thu phí BOT phía Nam Bình Định là chưa hợp lý, cần được xem xét đặt lại vị trí để không gây bức xúc. Cử tri cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi bà khẳng định: Bộ Giao thông Vận tải cứ dùng lại tên gọi cũ là: Trạm thu phí.
Cử tri Đoàn Minh Văn, chủ doanh nghiệp vận tải Minh Văn, thành phố Cà Mau, cho biết cử tri rất đồng tình với việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đưa về tên cũ “trạm thu phí” là ổn và sẽ không mất nhiều thời gian. Cử tri cũng cho rằng cái tên trạm không phải vấn đề lớn nhất của các dự án BOT giao thông. Bởi như vụ việc căng thẳng ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vào cuối năm 2017, đến nay các vướng mắc liên quan như: Vị trí đặt trạm, mức thu phí vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cử tri Văn cũng rất quan tâm đến câu hỏi và phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang. Đại biểu này đã chất vấn về việc người dân chỉ tham gia giao thông vài trăm mét tại trạm BOT T2 ở Lộ Tẻ (Kiên Giang) nhưng phải trả tiền cả tuyến.
Ngoài ra, cử tri Đoàn Minh Văn cũng cho rằng việc công bố công khai các thông tin như: Khoản đầu tư, khoản thu, thời gian thu phí tại các trạm BOT là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch. Vấn đề này, Bộ Giao thông và Vận tải cần sớm triển khai để người dân thuận lợi trong việc giám sát.
Còn cử tri Nguyễn Thanh Ca (59 tuổi, ở thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đồng ý với điều mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu là các trạm thu phí BOT đã giảm mức phí, có nơi giảm nhiều lần. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao mức phí cũ lại bị người dân phản đối nhiều như vậy, ai chịu trách nhiệm khi đặt ra những mức thu không hợp lý đó, việc giảm phí có đi cùng với việc tăng số năm thu phí hay không? Cử tri đồng tình với những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã nêu và mong rằng sau kỳ chất vấn này, các vấn đề còn tồn tại trong những dự án BOT sẽ được giải quyết thấu đáo, hợp lý.
Đồng tình với nhận xét trên, cử tri Nguyễn Văn Niêm (75 tuổi), nguyên Trung tá quân đội, nguyên lãnh đạo Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, hiện ở tổ 72 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nêu: Cử tri cũng như các tầng lớp nhân dân nói chung có quyền nghi ngờ về cách tính tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua. Trách nhiệm giải trình thuộc về cơ quan quản lý, việc có hay không các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT. Người dân và doanh nghiệp có quyền đòi hỏi ngành giao thông, nhà đầu tư phải rà soát để sắp xếp lại trạm thu phí, khi lập trạm mới cần phải tham vấn đầy đủ, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Đặc biệt, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, thực chất mức phí và lộ trình tăng phí.
Cử tri cho rằng, bên cạnh việc thực hiện giám sát của Tổng cục Đường bộ và Kiểm toán Nhà nước, rất cần sự cùng vào cuộc của các cơ quan chức năng khác, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ. Hơn nữa, dự án BOT nằm trên đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Người dân lại là chủ thể chi trả cho các khoản đầu tư đường BOT nên phải có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ về dự án.
"Mong rằng, Chính phủ và Quốc hội thời gian tới tạo điều kiện hơn nữa cho người dân được tiếp cận thông tin nhiều hơn về các dự án này để thực hiện vai trò theo dõi, giám sát, kiểm tra. Đồng thời, tạo cơ chế để người dân giám sát hiệu quả hành động của cơ quan thực thi, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT, tạo niềm tin cho nhân dân," cử tri Nguyễn Văn Niêm đề nghị./.