Từ ngày 3-9/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Trong đó, nội dung về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị được nhiều đảng viên Cần Thơ quan tâm, theo dõi.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về những nội dung liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng của đất nước, của Đảng.
Tuy nhiên, ông tâm đắc nhất nội dung về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng; đồng thời phát huy tốt hơn vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
[Đổi mới phương thức lãnh đạo: Lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo]
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu quan trọng đã đạt được thời gian qua, vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do vậy, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh để các quyết định của Trung ương sớm được triển khai đồng bộ, bài bản, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung của Hội nghị nghiêm túc, đầy đủ, thiết thực, hiệu quả; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của các nghị quyết, kết luận hội nghị này.
Các tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để gương mẫu, tự giác quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kết luận của hội nghị; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, kết luận của hội nghị ở cấp, ngành sát với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đảm bảo khả thi, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Bí thư cấp ủy đảng phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ quá trình quán triệt, thực hiện Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân; thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức học tập Nghị quyết, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không dàn trải, chung chung, không qua loa, hình thức.
Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp hoạt động và chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các nghị quyết, kết luận của hội nghị đến toàn thể hội viên, đoàn viên bằng các hình thức phù hợp, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, tuyên truyền những nội dung cơ bản, cốt lõi của các nghị quyết; phát hiện, nhân rộng những kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong quá trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết cũng như các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị...
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội
Ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết ông tâm đắc 2 nội dung tại Hội nghị Trung ương lần này.
Thứ nhất là việc Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" với mục tiêu tổng quát là "Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045."
Thứ hai là Trung ương đưa ra thảo luận và đi đến thống nhất cao những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan trọng này.
Theo ông Tống Văn Nhịn, sau khi Nghị quyết được ban hành, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai kịp thời, nghiêm túc trong Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân để tạo sự đồng thuận toàn xã hội.
Từ đó, các cấp, các ngành cụ thể hóa chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, bắt tay ngay vào tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đất nước ngày càng giàu mạnh…/.