Cử tri Ai Cập bỏ phiếu bầu cử Tổng thống: Cuộc đua không đối thủ?

Với uy tín, ảnh hưởng và những thành tựu đạt được trong hai nhiệm kỳ tổng thống, ông El-Sisi được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ 6 năm tới.

Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El-Sisi đang là ứng viên sáng giá nhất. (Nguồn: Getty Images)
Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El-Sisi đang là ứng viên sáng giá nhất. (Nguồn: Getty Images)

Khoảng 67 triệu cử tri đủ điều kiện tại Ai Cập đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra từ ngày 10-12/12 để lựa chọn nhà lãnh đạo đất nước.

Trong bối cảnh Ai Cập đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế và những thách thức an ninh nghiêm trọng ở một khu vực đầy bất ổn, việc lựa chọn một nhà lãnh đạo đủ khả năng đưa đất nước thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay và ứng phó với mọi thách thức là vấn đề cấp thiết và là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Cuộc bầu cử lần này chứng kiến cuộc đua giữa 4 ứng cử viên, bao gồm Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El-Sisi, người ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là ứng cử viên độc lập; Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Ai Cập Farid Zahran; Chủ tịch đảng Al Wafd Abdel-Sanad Yamama và Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa Hazem Omar.

Bốn ứng cử viên đều đã đưa ra tầm nhìn nhằm cải thiện nền kinh tế và nâng cao đời sống của người dân trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm tới. Tuy nhiên, các ứng cử viên Zahran, Yamama và Omar chỉ đưa ra những "cương lĩnh chung chung" mà không đề cập đến bất kỳ kế hoạch mang tính chiến lược nào.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống El-Sisi cam kết nếu được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như triển khai kế hoạch toàn diện nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ tại Bán đảo Sinai.

Tổng thống El-Sisi cam kết sẽ hoàn thành Tầm nhìn phát triển năm 2030 của Ai Cập, trong đó tập trung vào các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, bao gồm sửa đổi luật liên quan các quyền chính trị và hoạt động của các đảng phái chính trị. Tầm nhìn 2030 của Ai Cập cũng sẽ chú trọng cải cách hệ thống tư pháp và giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Ông El-Sisi tuyên bố giải quyết bài toán lạm phát cao hiện nay, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, tăng gấp đôi diện tích đất nông nghiệp, hỗ trợ khu vực tư nhân và thúc đẩy các ngành năng lượng.

Người dân Ai Cập chỉ sống trên 7% diện tích lãnh thổ trong hơn 7.000 năm qua. Nhưng từ năm 2014, thời điểm ông El-Sisi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, đến năm 2023, số diện tích này đã tăng lên 14%. Mục tiêu của ông El-Sisi là tăng gấp đôi con số đó lên 28-30% vào năm 2030.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng thiếu ngoại hối, ông El-Sisi đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu và tăng gấp đôi diện tích đất trồng lúa mì để giảm nhập khẩu ngũ cốc, qua đó giảm bớt áp lực ngoại hối.

Bên cạnh đó, việc trao quyền lớn hơn nữa cho phụ nữ, cải tiến hệ thống giáo dục, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và cải thiện chất lượng dịch vụ công cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống El-Sisi.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2014, Tổng thống El-Sisi đã đưa đất nước Ai Cập thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực cũng như làn sóng tấn công khủng bố sau 2 cuộc chính biến năm 2011 và 2013, giữa lúc khu vực Bắc Phi-Trung Đông vẫn đang mắc kẹt trong các cuộc xung đột và bất ổn chính trị ở Libya, Yemen, Syria, Sudan.

ttxvn-thong-thong-ai-cap-1012-9606.jpg
Dưới thời cầm quyền của Tổng thống El-Sisi, nền kinh tế Ai Cập đã có diện mạo mới, với nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dưới sự cầm quyền của Tổng thống El-Sisi, tình hình chính trị và an ninh của Ai Cập được giữ vững, nền kinh tế vốn kiệt quệ do bất ổn chính trị-an ninh dần được cải thiện, trong khi vị thế và ảnh hưởng của Ai Cập ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Trong 10 năm qua, chính sách đối ngoại của Ai Cập đã có những bước tiến lớn theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Ai Cập kiên định chính sách đối ngoại chủ động, linh hoạt, thể hiện vai trò và vị thế then chốt tại châu Phi và Trung Đông.

Tính chủ động và linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Ai Cập thể hiện ở chỗ Cairo luôn có những điều chỉnh kịp thời theo chính sách của các nước lớn nhằm đảm bảo các lợi ích quốc gia.

Ai Cập đã khẳng định được ảnh hưởng của mình tại Bắc Phi-Trung Đông cũng như vai trò không thể thay thế trong chính sách khu vực của Mỹ, được cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là trụ cột an ninh tại khu vực.

Ai Cập tiếp tục hợp tác và phối hợp với cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, Mỹ, Nga, một số quốc gia châu Âu và các nước Arab vùng Vịnh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, tìm kiếm giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng khu vực, như xung đột Hamas-Israel, cuộc khủng hoảng tại Libya, bất ổn chính trị-an ninh tại Sudan, cuộc chiến Yemen... nhằm đảm bảo an ninh và hòa bình tại Bắc Phi-Trung Đông.

Về an ninh-quốc phòng, Ai Cập không ngừng tăng cường năng lực quốc phòng và từng bước hiện đại hóa quân đội, trong bối cảnh khu vực Trung Đông-Bắc Phi vẫn luôn là điểm nóng về an ninh-chính trị, cũng là nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa các nước lớn. Bên cạnh việc đa dạng hóa các nguồn vũ khí, Ai Cập đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với một loạt quốc gia.

Với mục tiêu cao nhất là tạo dựng môi trường hòa bình và ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế, Ai Cập luôn cố gắng để không bị cuốn vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trong khu vực, thay vào đó Cairo theo đuổi chính sách "răn đe chiến lược."

Dưới thời cầm quyền của Tổng thống El-Sisi, nền kinh tế Ai Cập đã có diện mạo mới, với nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Cơ sở hạ tầng giao thông, các thành phố mới như New Cairo, các hạ tầng kinh tế như Khu kinh tế Kênh đào Suez, Kênh đào Suez ngày càng được mở rộng và phát triển.

Đến nay, Khu kinh tế Kênh đào Suez đã thu nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, trong khi doanh thu hằng năm của Kênh đào Suez tăng mạnh từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2021 lên hơn 8 tỷ USD năm ngoái.

Chính phủ Ai Cập cũng triển khai nhiều dự án kinh tế trọng điểm thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, hàng hải, nông nghiệp, năng lượng xanh và các ngành khác. Các dự án này được kỳ vọng mang lại sự bùng nổ kinh tế cho Ai Cập. Quốc gia Bắc Phi đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm thương mại dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong khu vực.

Với uy tín, ảnh hưởng và những thành tựu đạt được trong hai nhiệm kỳ tổng thống, ông El-Sisi được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ 6 năm tới.

Hiện tại, hàng chục đảng phái chính trị tại Ai Cập đều tuyên bố ủng hộ đương kim Tổng thống El-Sisi, vì họ mong muốn nhà lãnh đạo này tiếp tục tại vị để hoàn thành các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế đất nước mà ông đã thúc đẩy trong 2 nhiệm kỳ qua.
Đảng Tương lai Quốc gia Ai Cập thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với ông El-Sisi. Đây là chính đảng lớn nhất, chiếm hơn 50% số ghế trong hạ viện và nắm giữ các vị trí chủ chốt ở cả hạ viện và thượng viện Ai Cập.

Cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm nền kinh tế Ai Cập đang trong tình trạng khó khăn do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19, đồng nội tệ sụt giảm mạnh so với đồng USD, dự trữ ngoại hối khan hiếm và lạm phát luôn ở mức trung bình trên 30% kể từ đầu năm 2023.

An ninh quốc gia đứng trước nhiều thách thức, với một loạt cuộc xung đột ngày càng diễn biến phức tạp trong khu vực như xung đột ở Gaza và các cuộc khủng hoảng chính trị-an ninh ở Sudan, Libya và Yemen. Do đó, theo đánh giá của giới phân tích, đảm bảo an ninh và giữ vững chính trị nội bộ là nhu cầu cấp thiết nhất tại Ai Cập.

Đây cũng là mong muốn lớn nhất của cử tri Ai Cập sau khi họ trải qua giai đoạn bất ổn với hai đời tổng thống bị lật đổ hồi đầu thập niên trước. Xét trên tất cả các phương diện, đương kim Tổng thống El-Sisi được dự báo sẽ là người giành chiến thắng để tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục