Trước khi lên đường tham dự Olympic trẻ thế giới lần thứ nhất tổ chức tại Singapore, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục Thể dục Thể thao) kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Vietnam+ và nhận định hai môn cử tạ và teakwondo có nhiều khả năng tranh chấp huy chương tại kỳ đại hội này. - Xin ông đánh giá khái quát quá trình chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam trước khi tham dự Olympic trẻ?Ông Hoàng Mạnh Cường: Ngay từ năm 2009, chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho sự kiện này. Sau khi trải qua những cuộc thi đấu vòng loại một cách thuyết phục, hiện tại tất cả các vận động viên đã sẵn sàng cho những cuộc thi đấu đỉnh cao. Việt Nam tham gia thi đấu tại Olympic trẻ với 13 vận động viên ở 7 môn thể thao là điền kinh, bắn súng, teakwondo, vật, bơi, cầu lông và cử tạ. Theo báo cáo của các huấn luyện viên thì sức khỏe và phong độ của các tuyển thủ trẻ đều tốt. Ngày 10/8, ngay sau khi đặt chân tới Singapore, toàn đoàn sẽ hội quân tại trường đại học kỹ thuật Nanyang và nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở. Trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao với các huấn luyện viên, vận động viên tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã lưu ý các tuyển thủ rằng, dù tới Singapore bằng suất chính thức hay suất ưu tiên thì các em vẫn sẽ được tranh tài với những vận động viên xuất sắc từ 14 đến 17 tuổi của thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để những gương mặt trẻ của thể thao Việt Nam có dịp được cọ xát, trau dồi kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu, chuẩn bị cho những sân chơi lớn như SEA Games 2011, Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) và thậm chí là Thế vận hội Olympic trong tương lai không xa. - Trong số 7 môn tham dự Đại hội, theo ông, đâu là mũi nhọn của thể thao Việt Nam có khả năng tranh chấp được huy chương?Ông Hoàng Mạnh Cường: Đó là hai môn cử tạ và võ teakwondo với các vận động viên Nguyễn Thị Hồng, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thiện Quốc, Huỳnh Hữu Chí, Nguyễn Thanh Thảo. Nổi bật trong số này là lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn và võ sĩ trẻ Nguyễn Thanh Thảo. Thạch Kim Tuấn từng giành huy chương bạc thế giới ở lứa tuổi thiếu niên và mới đây, ở giải vô địch cử tạ U20 thế giới, em đã xếp hạng 5 và là gương mặt tiềm năng thay thế đàn anh Hoàng Anh Tuấn trong tương lai. Nữ võ sĩ teakwondo Nguyễn Thanh Thảo từng giành huy chương đồng tại cuộc thi vòng loại Olympic trẻ ở Mexico. Sau khi có được suất chính thức đến Singapore, Thảo đã được tập huấn cùng các võ sĩ giàu kinh nghiệm để trau dồi bản lĩnh trên thảm đấu. Vẫn biết rằng khi thi đấu thể thao đỉnh cao thì ngoài việc bộc lộ hết khả năng của mình thì cũng cần phải có thêm yếu tố may mắn, vì thế lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao không đặt chỉ tiêu cụ thể cho đoàn là phải đạt bao nhiêu huy chương nhưng đã yêu cầu các tuyển thủ là phải thi đấu hết sức mình trên tinh thần thể thao trung thực, cao thượng, đoàn kết với bạn bè quốc tế. - Lần đầu tham dự một kỳ Olympic trẻ, liệu các tuyển thủ của chúng ta có cảm thấy "choáng ngợp" trước sân chơi lớn này không, thưa ông?Ông Hoàng Mạnh Cường: Đến Olympic trẻ 2010 tại Singapore, Thể thao Việt Nam góp mặt với một số vận động viên nhiều triển vọng như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Trần Tâm Nguyện (bơi); Nguyễn Thị Ngọc Dương (bắn súng)… Các em cũng đã trải qua nhiều đợt tập huấn trong và ngoài nước đồng thời đã tham gia thi đấu đỉnh cao nên việc "choáng ngợp" hầu như ít xảy ra. Về tương quan lực lượng, với 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đua tài tại Olympic trẻ lần này, cho dù vận động viên Việt Nam có thể đạt được huy chương màu gì thì thành tích đó cũng thật đáng quý. Xin cảm ơn ông.
Lần đầu tiên được tổ chức, Olympic trẻ là đấu trường quốc tế dành cho các gương mặt thể thao xuất sắc, độ tuổi từ 14 đến 17 đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Làng vận động viên được đặt trong trường đại học kỹ thuật Nanyang sẽ là ngôi nhà của khoảng trên 5.000 huấn luyện viên, vận động viên trong suốt thời gian diễn ra đại hội từ ngày 10 đến 27/8. |
Vũ Minh (Vietnam+)