Cư dân quần đảo Nam Du "kêu cứu" vì sắp cạn nước sinh hoạt

Đối với người dân quần đảo Nam Du, chưa bao giờ nước lại quý và đắt giá như bây giờ khi những giọt nước ngọt quý giá cuối cùng đang dần cạn kiệt ở các hồ và bể chứa do khô hạn.
Cư dân quần đảo Nam Du "kêu cứu" vì sắp cạn nước sinh hoạt ảnh 1Hồ chứa nước lớn nhất xã An Sơn với dung tích 30.000m3 đang dần cạn. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc 2 xã Nam Du và An Sơn, diện tích tự nhiên hơn 1.054ha, dân cư ở đây hơn 14.000 người sinh sống trên 11 hòn đảo, nhưng tập trung đông nhất ở Hòn Lớn (An Sơn) và Hòn Ngang, Hòn Mấu (Nam Du).

Quần đảo đang bước vào những ngày cao điểm của mùa khô khốc liệt, thiếu nước ngọt trầm trọng, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống cư dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Không như những năm trước chỉ thiếu nước ngọt từ tháng Hai đến tháng Tư, nhưng mùa khô năm nay dự báo kéo dài đến tháng Sáu mới vào mùa mưa nên cư dân trên quần đảo Nam Du lo ngại tình trạng thiếu nước ngọt sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Giá nước ngọt từ đất liền chuyển ra phục vụ bà con gần 200.000 đồng/m3, bằng với đỉnh giá cao nhất hàng năm và dự đoán còn tăng.

Ông Trần Văn Du, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải cho biết địa bàn xã Nam Du ít nước hơn so với xã An Sơn. Vào đầu mùa khô, khi hết nước trữ lại trong bồn và bể chứa, các giếng khô cạn, dân Nam Du sử dụng nguồn nước từ An Sơn vận chuyển sang với mức giá 70.000-100.000 đồng/m3.

Vào cao điểm mùa khô như hiện nay, cả quần đảo Nam Du thiếu nước, cư dân phải mua nước từ đất liền chuyển ra với giá 180.000-200.000 đồng/m3 để sinh hoạt.

Cả 6 giếng nước trên địa bàn xã bắt đầu khô cạn nước từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Một số hộ dân tự đầu tư hàng chục triệu đồng khoan cây nước nhưng vẫn không tìm được nguồn nước ngọt, chất lượng nước không đảm bảo, nhiễm mặn, nhiễm phèn vàng sậm.

Khan hiếm nước, hơn 700 hộ dân xã đảo Nam Du sử dụng nước hàng ngày hết sức tiết kiệm. Họ canh vét từng chút nước ở những giếng sâu đọng lại ít ỏi dưới đáy.

Ông Nguyễn Thiện Hải, ngụ ấp An Phú, xã Nam Du nói: “Cư dân chúng tôi quý nước như vàng, có tiền trong túi nhưng không phải lúc nào cũng dễ mua, phải đợi từng chuyến ghe nước từ đất liền ra mới mua được, thậm chí còn tranh nhau để có nước sinh hoạt. Phần lớn hộ gia đình ở Hòn Ngang, Hòn Mấu 5-7 ngày mới giặt đồ một lần; nước vo gạo nấu cơm tận dụng lại từ rửa rau, rửa chén bát và cuối cùng là rửa cầu vệ sinh trong nhà.”

Bà Lưu Thị Phương, ấp Hòn Mấu, xã Nam Du cũng cho biết: “Gia đình tôi canh nước trong núi rỉ ra, đọng lại dưới đáy giếng và vét từng cống. Một đêm được 2 thùng khoảng 40 lít, lắng lọc cho nước trong để nấu ăn. Hàng ngày gánh nước biển lên giặt đồ, rửa chén bát sau đó xả lại nước ngọt. Ghe nước ngọt trong đất liền ra thì tranh nhau, vì nếu không đổi được nước thì phải đợi 5-7 ngày sau mới có ghe nước đến.”

Để hạn chế tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cho xã Nam Du trong mùa khô thời gian qua, chính quyền địa phương cùng với các tổ chức từ thiện nhân đạo xã hội, nhà hảo tâm đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình ở đây 4-5 bồn nhựa chứa nước mưa, dung tích 500-600 m3/bồn. Lượng nước mưa chứa trong bồn cũng chỉ cầm cự được tháng đầu mùa khô là hết.

Một số hộ gia đình khá giả xây hồ chứa nhưng sử dụng vài năm bị nứt đáy, nước chảy hết.

Khắc phục việc khan hiếm nước tại Nam Du, anh Đặng Hữu Thế ở tổ 11, ấp An Phú đã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng trạm, khoan cây nước để tạo nguồn nước phục vụ nhân dân.

Anh Thế cho hay: “Tại Hòn Ngang đã xây dựng hoàn thành trạm nước vốn đầu tư 600 triệu đồng, với bồn chứa, lắng lọc, xử lý nước, giếng khoan, ống dẫn, lắp đặt đồng hồ phục vụ cho 100 hộ dân, mức giá 70.000 đồng/m3. Tuy nhiên, chất lượng nước chưa thật sự tốt, chủ yếu dùng cho tắm giặt, rửa đồ đạc trong sinh hoạt hàng ngày. Tiếp đó là trạm cấp nước ở Hòn Mấu đã xây xong bồn chứa, lắng lọc, xử lý nước, ống dẫn, lắp đặt đồng hồ và đang khoan giếng, hy vọng sẽ có nguồn nước ngọt tốt hơn. Dự kiến cuối tháng Ba này sẽ hoàn thành phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân ấp Hòn Mấu.”

Tương tự, hồ nước thể tích 30.000m3 và các giếng đào ở Bãi Ngự, Bãi Cây Mến là nguồn cung cấp nước chủ lực cho hơn 10.400 người dân xã này đảo An Sơn và hàng trăm hộ dân khác trên quần đảo Nam Du hầu như không còn nước. Cư dân ở đây vừa trông đợi từng chiếc ghe đổi nước ngọt từ đất liền ra, vừa khắc khoải mong ngóng những cơn mưa trái mùa xuất hiện giải hạn.

Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Sơn cho biết, xã có hồ nước thể tích 30.000m3, nhưng 2 năm nay lượng mưa rất ít nên thiếu nước, chỉ chứa được khoảng 50% thể tích và cung cấp cho dân sử dụng khoảng tháng đầu mùa khô là hết. Xã đang cung cấp nước nhỏ giọt, nhưng đến cuối tháng Ba này, hồ sẽ phơi đáy.

Hồ nước An Sơn lại là một công trình kém hiệu quả, không phát huy tác dụng dù được đầu tư tới hơn 5 tỷ đồng xây dựng. Bất cập đầu tiên là hồ chứa nước này xây trên lưng chừng đồi, vì vậy việc tích lũy nước trong mùa mưa rất hạn chế.

Hồ được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2000. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm sử dụng, hồ nước bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, hồ nước khi kết thúc mùa mưa cũng chỉ trữ được lượng nước hơn phân nửa hồ. Hệ lụy là cứ mỗi mùa khô hạn đến là cư dân quần đảo Nam Du thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Du, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã đảo Nam Du cho biết, xã Nam Du được thành lập từ năm 2005 đến nay, các dự án cấp nước cho đảo vẫn chỉ là quy hoạch. Phương án xây hồ chứa nước mưa như bên An Sơn không khả thi. Một số dự án xây bể chứa nước theo từng cụm dân cư đến nay cũng chưa triển khai thực hiện.

Ông Du cho biết thêm: “Mới đây, một nhà đầu tư đến đảo khảo sát và đang xúc tiến xây dựng bể chứa nước chuyển từ đất liền ra, thiết lập hệ thống ống dẫn đến hộ gia đình phục vụ nhân dân ở Hòn Ngang này. Họ nói cố gắng thực hiện trong năm nay và dự kiến năm 2017 sẽ có nước cho bà con, thoát cảnh thiếu nước ngọt vào mùa khô hạn hàng năm.”

Do đó, trước mắt, Ủy ban Nhân dân xã Nam Du tiếp tục vận động thêm hộ tư nhân có điều kiện phương tiện làm dịch vụ vận chuyển nước từ trong bờ ra để đổi cho bà con sử dụng.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Sơn Phạm Văn Quân kiến nghị huyện, tỉnh hợp đồng với sà lan chở nước từ trong đất liền ra và hỗ trợ 50% giá nước cho dân.

Ngoài việc người dân đang tự phát khoan 4 giếng, qua kiểm tra nguồn nước của những giếng này khá tốt nên Nhà nước cần đầu tư khoan giếng, mỗi tổ tự quản một cây nước, đồng thời đề nghị hỗ trợ xã xây hồ nước ở bãi Cây Mến phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân quần đảo Nam Du về lâu dài.

Việc thiếu nước nghiêm trọng đang ảnh hưởng nhiều mặt đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của 2 xã Nam Du và An Sơn, gây bất lợi trong đời sống nhân dân. Hiện nay, quần đảo Nam Du đang trên đà phát triển du lịch, từ sau Tết Âm lịch đến nay thu hút hơn 15.000 lượt du khách và nhu cầu nguồn nước sử dụng rất lớn. Vì vậy, thiếu nước sẽ cản trở du lịch phát triển.

"Do thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân đã tận dụng những nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để sử dụng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh, đó là nỗi lo lớn của chính quyền cũng như hàng chục nghìn người dân quần đảo Nam Du,” Chủ tịch xã An Sơn Phạm Văn Quân trăn trở./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục