CSI 2024: Doanh nghiệp "chuyển mình xanh" với công nghệ và đổi mới

CSI 2024 tôn vinh những tổ chức tiên phong trong phát triển bền vững, qua đó đã minh chứng cho khả năng thích ứng và đổi mới ấn tượng của doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số và chuyển đổi xanh.
CSI 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp vươn mình trong Kỷ nguyên Xanh," đánh dấu mốc son thứ 9 của Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 29/11, Lễ công bố Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam 2024 (CSI 2024) đã vinh danh hơn 100 doanh nghiệp xuất sắc, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hướng tới xu thế phát triển xanh.

CSI 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp vươn mình trong Kỷ nguyên Xanh," đánh dấu mốc son thứ 9 của Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự chủ trì của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI).

Khả năng chống chịu tốt

Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo CSI 2024 Phạm Tấn Công cho biết Chương trình CSI 2024 được triển khai theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nhằm ghi nhận và biểu dương những doanh nghiệp thực hiện xuất sắc hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững. Với sự phối hợp chặt chẽ của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI đã chủ trì và tổ chức chương trình. Trong đó, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững 2024 (CSI) là một trong những căn cứ chính để Hội đồng đánh giá và Ban chỉ đạo Chương trình đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia.

Theo ban tổ chức, chương trình năm nay đã thu hút gần 500 doanh nghiệp trên khắp cả nước với sự đa dạng về quy mô và loại hình. Sau quá trình sàng lọc kỹ lưỡng, 142 hồ sơ xuất sắc đã được lựa chọn để chấm điểm chính thức. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp mới tham gia lần đầu lần lượt tăng trưởng vượt trội so với 3 năm gần đây, đạt mức 62% và 35%. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức và hành động của doanh nghiệp Việt Nam về phát triển bền vững đang có sự chuyển biến tích cực.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh để có thể nắm bắt những vận hội mới, bên cạnh việc đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản thì cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng sản xuất chính, cũng cần có sự chuyển đổi tư duy mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, phát huy nội lực. Đặc biệt là chủ động đổi mới để chuyển đổi thực hành mô hình kinh doanh nhân văn, sáng tạo, bền vững đóng góp vào tiến bộ, thịnh vượng của xã hội và hạnh phúc của người dân.

Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo CSI 2024 Phạm Tấn Công. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Phạm Tấn Công cũng khẳng định kết quả khảo sát của VCCI với các doanh nghiệp đạt danh hiệu doanh nghiệp bền vững trong gần một thập kỷ qua đã chứng minh các doanh nghiệp kiên trì thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh bền vững sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thách thức và nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Đại diện ban tổ chức cho biết một trong những điểm nổi bật của CSI 2024 là sự cải tiến đáng kể của Bộ chỉ số. Cụ thể, hệ thống đánh giá được chia thành 3 lĩnh vực là sản xuất , thương mại-dịch vụ và hỗn hợp (bao gồm cả sản xuất và thương mại-dịch vụ). Trong đó, trọng số điểm của các nội hàm kinh tế, môi trường, xã hội sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy theo nhóm ngành, đảm bảo tính công bằng và khả năng tiếp cận của từng doanh nghiệp.

Như vậy, Bộ chỉ số CSI 2024 đã được cập nhật những nội dung liên quan đến cam kết quốc tế và các thay đổi quan trọng trong khung khổ pháp lý trong nước. Với tổng cộng 153 chỉ số, trong đó 62% là chỉ số tuân thủ và 38% là chỉ số nâng cao, CSI 202 có thể đánh giá doanh nghiệp một cách toàn diện trên các khía cạnh: Hiệu quả kinh tế – Quản trị doanh nghiệp – Xã hội – Môi trường. Trên thực tế, sự tập trung vào các chỉ số cho thấy việc thực hiện phát triển bền vững không quá khó khăn, doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các yêu cầu pháp luật là đã có nền tảng vững chắc.

Đặc biệt, CSI 2024 đã có nhiều chỉ số lượng hóa hơn so với các năm trước và nhấn mạnh vào các vấn đề thời sự của kinh doanh bền vững, như đánh giá tác động hai chiều giữa doanh nghiệp và môi trường. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp tính toán các số liệu, như doanh thu thuần từ các hoạt động thuộc lĩnh vực có tác động đáng kể đến khí hậu; Chi phí hoạt động/chi phí đầu tư được phân bổ cho kế hoạch/hoạt động liên quan đến phát triển bền vững. Và, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư, nghiên cứu nhiều hơn, nhưng cũng giúp họ rà soát lại hoạt động, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn cho phát triển bền vững.

Thành công của sự nỗ lực bền bỉ

Lễ công bố CSI 2024 đã vinh danh 100 Doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và thương mại-dịch vụ. Top 10 Doanh nghiệp bền vững ở hai lĩnh vực này có sự chia đều giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), qua đó chứng tỏ doanh nghiệp nội địa đã có bước tiến vượt bậc và cuộc chơi phát triển bền vững không còn chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp FDI. Ngoài hạng mục chính, Chương trình cũng vinh danh các doanh nghiệp tiên phong trong hai hạng mục chuyên đề thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải khí nhà kính, và xây dựng, thực hiện giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2024, chia sẻ tầm quan trọng của việc củng cố năng lực quản trị công ty bền vững theo trụ cột ESG (môi trường, xã hội, quản trị) đã góp phần nâng cao “sức mạnh nội tại” cho doanh nghiệp.

Lễ công bố CSI 2024 đã vinh danh 100 Doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và thương mại-dịch vụ. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng khẳng định việc áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản trị công ty bền vững và VCCI sẽ tiếp tục lan tỏa Bộ chỉ số này rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc thành lập “Câu lạc bộ CSI" tạo ra một sân chơi mới cho các doanh nghiệp đã được biểu dương trong Chương trình qua nhiều năm. Đây cũng là một sáng kiến đáng chú ý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

“CSI luôn đổi mới sáng tạo để mang đến những giá trị gia tăng mới trong từng hoạt động. Sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực để chúng tôi tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm nói chung, cũng như duy trì và nâng tầm Chương trình nói riêng trong tương lai tới đây,” ông Vinh chia sẻ.

Sự thành công của CSI 2024 đã có sự đồng hành của các đối tác lớn, như Công ty Nestlé Việt Nam, Công ty Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam; Công ty British American Tobacco Việt Nam; Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và nhiều đối tác, thành viên VBCSD khác./.

Được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, VBCSD là tổ chức định hướng doanh nghiệp, quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức uy tín tại Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững.

VBCSD đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đối tác trong nước và quốc tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục