Việc Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn (CSG - HoSE) thông báo về việc họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2012 (ngày 28/6) về việc giảm vốn điều lệ đã gây được sự quan tâm và chú ý của các thành viên trên thị trường. Theo CSG, mục tiêu của việc giảm vốn điều lệ là nhằm thu hẹp quy mô và cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, theo đó sẽ chỉ tập trung và sản phẩm chính nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. CSG cũng khẳng định đây là một việc làm cần thiết trong điều kiện hiện nay của doanh nghiệp. Bởi, kết quả kinh doanh của công ty trong nhiều năm đã không đạt được kế hoạch đề ra và kế hoạch kinh doanh năm 2012 được xây dựng là không khả thi do thị trường cáp viễn thông suy giảm mạnh, kinh doanh gặp nhiều rủi ro đồng thời thương hiệu và thị phần cáp điện yếu. Thêm vào đó, thực trạng ban điều hành chưa có kế hoạch phát triển sản phẩm mới trong tương lại, vì cần thiết phải đảm bảo quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh kinh doanh bế tắc, hao hụt thất thoát tài sản có thể xảy ra. Cụ thể, phương án trình giảm vốn điều lệ vốn trình có hai bước. Bước 1, hủy lượng cổ phiếu quỹ có giá trị 30,61 tỷ đồng và với vốn điều lệ hiện tại của CSG là 297,42 tỷ đồng thì vốn điều lệ còn lại là 266,8 tỷ đồng. Thời gian, thực hiện từ ngày 28/6/2012 đến ngày 10/7/2012. Bước 2, CSG tiến hành mua lại 80% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Mọi cổ đông của CSG sẽ bị bắt buộc bán lại 80% khối lượng cổ phiếu đang nắm giữ cho CSG với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi mua lại cổ phiếu, vốn điều lệ của CSG chỉ còn 53,36 tỷ đồng. Việc mua lại cổ phiếu của CSG dự kiến được thực hiện từ ngày 29/6/2012 đến ngày 17/8/2012. Cáp Sài Gòn cũng cho biết, tính tới hết tháng Năm, lượng tiền mặt của công ty còn 278 tỷ đồng, nguồn vốn mua lại vốn cổ phần được lấy từ vốn chủ sở hữu. Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 (ngày 21/4), CSG đã có trình 2 phương án giải thể công ty với trình tự hủy niêm yết, thanh lý tài sản, giải thể công ty hoặc giảm vốn điều lệ bằng số lượng cổ phiếu quỹ đã mua vào thời điểm gần nhất và xác định lại vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại phiên họp này, đa số cổ đông phản đối và cho rằng tờ trình không rõ ràng và nên phân thành 3 phương án: (i) Giải thể; (ii) Giảm vốn điều lệ; (iii) Giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục hoạt động, cuối cùng tờ trình về nội dung này đã được thay đổi với 3 nội dung nêu trên. Tuy nhiên, do kết quả bỏ phiếu nội dung giải thể đồng ý là 64,58%, giảm vốn đồng ý là 8,47%, còn lại hơn 26% đồng ý tiếp tục hoạt động, nên CSG đã không lựa chọn được phương án cụ thể, do yêu cầu của luật để giải thể công ty cần có 75% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội đồng ý. Với phương án giảm vốn điều lệ, Cáp Sài Gòn cho rằng việc chào mua công khai lại cổ phiếu của Công ty theo tỷ lệ sẽ đảm bảo được sự công bằng cho tất cả cổ đông. Ngoài ra, việc giảm vốn điều lệ sẽ hạn chế được các mặt nhược điểm của phương án giải thể, bởi nếu thực hiện phương án giải thể thì thời gian thực hiện sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và có thể sẽ gây ra những bức xúc khiếu kiện... Theo ông Bùi Đình Như, Chuyên gia tài chính độc lập, việc Cáp Sài Gòn thu hẹp quy mô vốn cũng như quy mô đầu tư cho thấy mục tiêu tồn tại của doanh nghiệp đã được đặt lên hàng đầu, trong điều kiện kinh doanh quá khó khăn như hiện nay. Vốn càng lớn sức ép cổ tức đối với ban điều hành càng cao, bên cạnh đó tham gia niêm yết doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các điều kiện về công bố thông tin, minh bạch tài chính. ”Rút gọn quy mô sản xuất, co cụm hoạt động đầu tư, rời sàn niêm yết... duy trì sự tồn tại đồng thời tránh xu thế thâu tóm đang là những tiêu chí được không ít lãnh đạo công ty đặt lên bàn cân nhắc. Theo tôi, lựa chọn giảm vốn điều lệ như CSG tới đây sẽ không phải là hiện tượng hy hữu nữa mà nó báo hiệu làn sóng ‘thủ thế’ của doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn ẩn chứa quá nhiều thách thức và rủi ro khó lường,” ông Như nói. Về phương án lựa chọn của CSG, ông Nguyễn Thanh Bình, một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội nhận xét, có lẽ đây là phương án tối ưu cho cả nhà đầu tư nhỏ và cổ đông lớn.
Hiện trên thị trường, cổ phiếu CSG đang được giao dịch với mức giá dưới 11.000 đồng/cổ phiếu. Cân đối lợi ích các bên, ông Bình cho rằng với mức giá chào mua công khai 13.000 đồng/cổ phiếu theo phương án trên là khá hợp lý./.
Linh Chi (Vietnam+)