CPTPP sẽ là “bến đỗ” mới của Anh sau khi rời khỏi EU?

Đối với Anh, việc tham gia CPTPP sau khi rời khỏi EU có thể sẽ là cơ hội bù đắp một số tổn thất, mở ra khả năng tiếp cận các thị trường mới và tạo ra cơ hội để định hướng lại nền kinh tế.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đài Sputnik đưa tin, theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, các quốc gia tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ rất vui lòng đón chào nước này.

Ông Abe cũng nhấn mạnh rằng sau Brexit, Anh vẫn là một cường quốc hùng mạnh phải được chú trọng.

Xung quanh triển vọng Anh gia nhập CPTPP, phóng viên Sputnik đã thảo luận với chuyên gia Stephen Nagy, giáo sư khoa Chính trị và nghiên cứu Quốc tế của Đại học Quốc tế Cơ đốc ở Tokyo, một số vấn đề quan trọng như sau:

Thứ nhất, liệu Anh sẽ thực sự gia nhập CPTPP?  Theo giáo sư Stephen Nagy, có hai yếu tố quan trọng liên quan đến vấn đề này.

Trước hết phải hiểu rõ, CPTPP là một thỏa thuận mới được ký kết giữa Thủ tướng Abe và các đối tác của ông. Thỏa thuận được thiết kế để loại bỏ mọi hạn chế, kể cả những hạn chế áp đặt bởi Mỹ.

Không chỉ các đối tác trong khu vực mà cả các đối tác ngoài khu vực, ví dụ như Anh, cũng có thể trở thành thành viên của hiệp định này.

Điều quan trọng cần lưu ý là thỏa thuận này được thiết kế sao cho Mỹ có thể tham gia dù theo cách này hay cách khác. Do đó, CPTPP, còn gọi là TPP-11, là một thỏa thuận mới về thương mại tự do trong khu vực sẵn sàng kết nạp Vương quốc Anh sau khi nước này rời khỏi EU.

Thứ hai, liệu việc tham gia CPTPP có phải là một triển vọng hấp dẫn đối với Anh? CPTPP có sự tham gia của các quốc gia rất đặc biệt như Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru, Australia và New Zealand. Tất cả các quốc gia này đều là thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn.

Sau khi tham gia CPTPP, Anh có thể xuất khẩu hàng hóa sang các nước này. Đây là điều cực kỳ quan trọng đối với Anh bởi sau khi rời khỏi EU, London phải tìm thị trường mới đảm bảo sẽ không có biện pháp trừng phạt và hạn chế nào đối với hàng hoá của Anh, ví dụ như đối với một số sản phẩm châu Âu.

[Anh sẽ phải thanh toán tới 60 tỷ bảng nếu không đạt thỏa thuận với EU]

CPTPP là một cơ hội thuận lợi đối với Anh sau Brexit. Để tham gia hiệp định, London nên tìm cách cân bằng giữa sáng kiến này và một số thỏa thuận thương mại hiện có, cũng như thỏa thuận thương mại Brexit hiện đang được thảo luận tại EU.

Thứ ba, liệu việc tham gia CPTPP sẽ giúp Anh bù đắp phần nào tổn thất kinh tế sau khi chính thức rời EU?

(Nguồn: AFP/TTXVN)

Stephen Nagy cho rằng thật khó để khẳng định điều đó vào lúc này. Thủ tướng Anh Theresa May đang cố gắng đạt được thỏa thuận Brexit “mềm nhất” để ngăn chặn việc áp đặt thuế quan đối với hàng hoá Anh và đảm bảo việc di chuyển nhân sự có trình độ cao không thể kiểm soát được, vì điều này cực kỳ có lợi cho nền kinh tế Anh.

Nếu thỏa thuận Brexit “cứng rắn” quá mức, tình hình sẽ hoàn toàn khác. Anh sẽ mất quyền tiếp cận thị trường châu Âu, hoặc sẽ có khả năng tiếp cận thị trường với số lượng lớn thuế quan sản phẩm, điều này sẽ gây hại cho nền kinh tế của đất nước này.

Đối với Anh, việc tham gia CPTPP là cơ hội bù đắp một số tổn thất, mở ra khả năng tiếp cận các thị trường mới và tạo ra cơ hội để định hướng lại nền kinh tế.

Trước đây, nước Anh chưa có cơ hội thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ rằng mối quan hệ kinh tế giữa Anh và EU đã trải qua chặng đường 40 năm, do đó, sẽ vô cùng khó khăn để cắt đứt các mối quan hệ này trong một sớm một chiều.

Thứ tư, rõ ràng rằng EU là một khu vực giàu có gần gũi với Anh, mức sống của người tiêu dùng châu Âu cao hơn nhiều so với khu vực Thái Bình Dương, vậy triển vọng để Anh rời khỏi EU và đến với CPTPP là gì?

[EU và Anh nỗ lực tránh kịch bản 'Brexit không thỏa thuận']

Vấn đề này cho thấy việc định hướng lại nền kinh tế vô cùng phức tạp. Trên thực tế, nền kinh tế thế giới đang di chuyển theo hướng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không còn tập trung vào khu vực Đại Tây Dương.

Các đối tác châu Mỹ và Bắc Mỹ bắt đầu có quan hệ chặt chẽ với các nước Đông Á, cũng như với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Đông Nam Á.

Những nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong khi dân số cũng tăng lên - đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời không chỉ cho Anh mà còn cho các nước châu Âu khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục