CPTPP: Động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế

CPTPP là động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm đón đầu những cơ hội mà Hiệp định mang lại.
CPTPP: Động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12/11/2018 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và Hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Đây là thách thức, nhưng cũng là động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm đón đầu những cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Chỉ là cơ hội

CPTPP được xem là Hiệp định giúp Việt Nam cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, với việc đa dạng hoá thị trường và cơ hội tiếp cận 9 thị trường lớn khu vực châu Á-Thái Bình Dương dễ dàng hơn.

Hơn nữa, mục tiêu chính của CPTPP là giảm thuế và những rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ, hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu; trong đó, trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đây là cơ hội cho rất nhiều ngành hàng, lĩnh vực của Việt Nam vươn xa hơn vào những thị trường mới, thị trường khó tính. Theo TS. Ngô Tuấn Anh, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, châu Á-Thái Bình Dương hiện là khu vực chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh và lợi ích cốt lõi của mình như dệt may, giày dép vào các thị trường lớn, mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của nước khác.

Dự kiến, các ngành dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được hưởng lợi bởi gia tăng được hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, tiến sỹ Ngô Tuấn Anh cho rằng, tất cả mới chỉ là những cơ hội, những dự báo còn nằm “trên giấy,” nằm trong tính toán của doanh nghiệp, chuyên gia và các bộ ngành.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2017, trao đổi thương mại với các quốc gia khu vực CPTPP, may mặc và dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD.

[CPTPP chính thức có hiệu lực: Chủ động đổi mới để thích ứng]

Tiếp theo là phương tiện giao thông với doanh thu 2,177 tỷ USD; máy móc thiết bị đạt kim ngạch 1,718 tỷ USD; hải sản đạt kim ngạch 1,3 tỷ USD và sản phẩm gỗ đạt 1,022 tỷ USD. 

Trước đây, hàng dệt may và hải sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, nhưng hiện chuyển sang thị trường Nhật Bản, đây là một dấu hiệu tích cực.

Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường lớn với các tiêu chuẩn công nghệ cao như Nhật Bản mà còn giúp giảm bớt những khó khăn do các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước của Mỹ.

Dệt may, giày dép và hải sản cũng là những mặt hàng xuất khẩu chính sang Canada, Chile và Australia. Các lĩnh vực này còn tiếp tục có những cơ hội lớn khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, điện thoại, máy tính có nhiều cơ hội tiếp tục tăng xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia, Singapore, Mexico...

Theo tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Đại học Luật Hà Nội, với vấn đề thực thi các cam kết về đầu tư trong CPTPP, không thể phủ nhận khi CPTTP có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới.

Do vậy, Việt Nam có điều kiện tốt hơn để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nước thành viên khác, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Mexico. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.

Tuy nhiên, tiến sỹ Thắng bày tỏ, việc tham gia CPTPP cũng đặt ra những vấn đề cho Việt Nam trong việc thực thi các cam kết của mình. Việc đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp luật Việt Nam với các cam kết trong CPTPP là rất cần thiết. Điều đó tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ thành viên. Từ đó, hiện thực hóa những cơ hội mà Việt Nam có được.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đã chứng kiến bài học từ các FTA trước đây. Các Hiệp định này đều được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành hàng của Việt Nam, nhưng trên thực tế lợi ích thu về là rất khiêm tốn.

Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40%, chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Số còn lại vì nhiều lý do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt. Từ thực tiễn này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan trọng là phải có động thái cải cách cơ chế mạnh mẽ hơn, hoàn thiện môi trường kinh doanh...

CPTPP: Động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế ảnh 2Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đi tắt đón đầu

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, để thực thi tốt và đón cơ hội từ CPTPP, Việt Nam cần điều chỉnh và sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, hải quan, lao động, sở hữu trí tuệ...

“Chúng ta sẽ phải sửa ít nhất 7 Luật, cùng hàng chục Nghị định, văn bản dưới luật để đưa khung khổ pháp lý Việt Nam gần hơn với chuẩn mực hiện đại. Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật; trực tiếp áp dụng nhiều cam kết, nhất là trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư,” ông Khanh nói.

Ông Ngô Chung Khanh cũng nhận định, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần duy trì đà tăng trưởng của đầu tư trong nước và nước ngoài. Do vậy, Việt Nam sẽ phải duy trì được đà cải cách liên tục, có chất lượng.

Tiến sỹ Ngô Tuấn Anh cho rằng, hoàn thiện môi trường, cải cách thể chế sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa của Việt Nam. Việt Nam là nước hội nhập muộn hơn so với các nước đàm phán CPTPP, khoảng cách giữa đòi hỏi của CPTPP và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ.

Vì vậy, cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế, khung khổ pháp lý, chế tài thực thi để có thể đáp ứng những cam kết trong Hiệp định. Đây cũng là thách thức đối với Việt Nam khi mà khả năng hoạch định và thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế.

Theo tiến sỹ Ngô Tuấn Anh, các cơ hội và thách thức luôn chuyển hoá cho nhau, do đó nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ từ nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì khi tham gia CPTPP sẽ gánh chịu những rủi ro rất lớn.

Tiến sỹ Ngô Tuấn Anh khuyến nghị, cần rà soát lại các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến CPTPP để xây dựng kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi với tầm nhìn 10 năm tới. Những vấn đề cần được quan tâm rà soát là các quy định về lao động và công đoàn, mua sắm Chính phủ, ngân hàng, tiếp cận thị trường về quy tắc xuất xứ, hải quan, sở hữu trí tuệ, đầu tư, đấu thầu... trong đó, lao động, mua sắm Chính phủ và tiếp cận thị trường là các vấn đề cần dành sự quan tâm sâu sắc.

Bên cạnh đó, rà soát và xác định những lĩnh vực kinh tế bị tác động mạnh khi thực hiện các cam kết CPTPP để có biện pháp hỗ trợ hợp lý theo thông lệ quốc tế.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, CPTPP là Hiệp định chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra những điều kiện tốt cho các doanh nghiệp...

CPTPP: Động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế ảnh 3
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục