“Tháng Một là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, do đó nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng. Thêm vào đó, giá xăng dầu trong nước đang tăng theo giá nhiên liệu thế giới, đây là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tăng 0,19% so với tháng 12/2021 và tăng 1,94% so với cùng kỳ. Theo đó, lạm phát cơ bản tháng Một đã tăng 0,66%,” bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết.
9/11 nhóm hàng, dịch vụ tăng giá
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, diễn biến giá tiêu dùng trong tháng Một so với tháng trước cho thấy có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá và một nhóm hàng giảm giá.
Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định, trong đó nhóm hàng lương thực tăng 0,08%, làm cả nhóm tăng 0,01 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18% làm tăng 0,05 điểm phần trăm. Ngược lại, nhóm thực phẩm giảm 0,09% tác động giảm 0,06 điểm phần trăm của nhóm.
Trên thị trường, chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,04% (khu vực thành thị tăng 0,09%, khu vực nông thôn tăng 0,01%).
Bà Oanh cho hay giá gạo tăng nhẹ là do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao cộng thêm nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán (cụ thể giá gạo nếp tăng 0,83%, gạo tẻ ngon tăng 0,32%).
Về nhóm thực phẩm, bà Oanh chia sẻ nguyên nhân có sự giảm nhẹ là bởi Trung Quốc siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại một số cửa khẩu khiến nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, do thương lái ngừng mua và khiến cho giá rau tươi, khô và chế biến tại thị trường trong nước giảm 6,05% so với tháng trước.
Tuy nhiên bên cạnh các mặt hàng giảm giá, có một số mặt hàng tăng giá như thịt lợn lên 1,79% so và làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.
Giá vàng và tỷ giá diễn biến trái chiều
Về tỷ giá, bà Oanh cho hay USD trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tháng 12/2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tính đến ngày 25/1/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 95,68 điểm, giảm 0,52 điểm so với tháng trước.
Diễn biến tương đồng, giá USD trong nước cũng giảm 0,32% so với tháng trước cùng với nguồn cung đảm bảo và giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường tự do, USD đang giao dịch quanh mức 22.912 VND/USD.
Trái lại, chỉ số giá vàng trong nước đã tăng 1,08% và biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân giá vàng thế giới tăng 1,46% so với tháng 12/2021, dừng ở mức 1.819 USD/ounce, nguyên do USD và lợi tức trái phiếu đồng loạt giảm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có tâm lý lo ngại giá cả sẽ tiếp tục tăng và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu khiến tài sản an toàn như vàng tăng giá.
“Trên thị trường nội địa, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng khiến chỉ số giá vàng tháng Một tăng 1,08% so với tháng 12/2021 và giảm 0,07% so với cùng kỳ,” bà Oanh trao đổi.
Với diễn biến trên, lạm phát cơ bản trong tháng Một đã tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước.
Việc lạm phát cơ bản tăng thấp hơn mức CPI bình quân chung, bà Oanh cho biết điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng./.