Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng 0,51% so với tháng trước đồng thời tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, lý do CPI tháng này tăng mạnh là do tại thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như các doanh nghiệp, các cơ quan đều tăng hơn những tháng khác.
Trong rổ tính CPI, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đã tăng giá. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng giá mạnh nhất 1,83% và nhóm giáo dục tăng thấp nhất 0,03%, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,09%.
Hàng hóa thiết yếu đồng loạt tăng giá
Bà Ngọc chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI, giá xăng, dầu đã điều chỉnh tăng hai đợt (ngày 4/1 và 19/1) do giá xăng dầu thế giới tăng cao. Trên thị trường quốc tế, giá dầu bình quân (đến ngày 25/1) 69,02 USD/thùng, tăng 7,7% so tháng 12/2017.
Trong nước, giá xăng A95 đã tăng 1100 đồng/1 lít, giá xăng E5 tăng 430 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 790 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 950 đồng/lít, các yếu tố này đã khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 2,65%, đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%.
Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt đóng góp làm tăng CPI chung 0,06%. Do, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% (từ ngày 1/12/2017), theo Quyết định số 4495/QĐBCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, việc 9 tỉnh, thành phố tăng giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế đã làm cho giá của cả nhóm tăng 2,34%, đóng góp làm tăng CPI chung 0,09%.
Ngoài ra, bà Ngọc cũng nhấn mạnh, hiện là thời điểm cuối năm, nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng trong dân chúng tăng cao, vì vậy giá của các vật liệu bảo dưỡng nhà cũng bị kéo lên 0,35% và giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,38%.
Việc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé tàu hỏa lên 6,54% cũng góp phần không nhỏ vào mức tăng giá của nhóm giao thông.
Duy nhất trong nhóm thực phẩm, giá rau tươi lại giảm mạnh 2,77%, điều này có được là do thời tiết thuận lợi đã giúp sản lượng rau tươi cung cấp ra thị trường rất dồi dào và nhiều chủng loại.
Tỷ giá giảm mạnh, song giá vàng đi lên
Diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế, đồng USD sự suy yếu mạnh, nguyên nhân bắt nguồn từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng hoạt động một phần (Quốc Hội nước này không thông qua đúng hạn dự luật ngân sách). Thêm vào đó, giới chuyên gia tiếp tục dự báo về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt.
Diễn biến trong nước, bà Ngọc cho biết, chính sách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt, đã giúp cho giá USD duy trì mức ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 22.670 VND/USD.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại có sự biến động theo giá vàng thế giới, khi USD suy yếu so với số đồng tiền chủ chốt khác, giá vàng lập tức bước vào chu kỳ tăng, bình quân (đến ngày 25/1) giá vàng thế giới 1.330,06 USD/ounce, tăng 4,76% so với tháng trước.
Song trên thực tế, giá vàng trong nước đang tăng chậm hơn giá vàng thế giới, điều này đã giúp cho chênh lệch khoảng cách giá trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 100.000 đồng/lượng. Bình quân giá vàng trong nước tăng 1,69% so với tháng trước và dao động quanh mức 3,67 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Như vậy tổng quan, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Một đã tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,18% so với cùng kỳ.
“Trong tháng, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và điện. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản so cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 1,18%, điều này phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định,” bà Ngọc phân tích./.