Trong những tháng qua, các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có những biện pháp của riêng từng nước để kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ, đòi hỏi ASEAN phải đưa ra phản ứng thống nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Triển vọng kinh tế khu vực trở nên thiếu chắc chắn
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây công bố báo cáo trong đó dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực này với Trung Quốc.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia được cho là giảm từ 5% năm 2019 xuống còn 2,5% trong năm nay; kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng âm 4,8%, còn tăng trưởng của kinh tế Việt Nam giảm từ 7% năm 2019 xuống còn 4,8% trong năm 2020. Trong khi đó, kinh tế Singapore sẽ chỉ đạt 0,2%.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB, sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu trở nên không chắc chắn, với tốc độ tăng trưởng và phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến trước đó.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thái Lan sẽ là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á do đại dịch COVID-19, vì nguồn thu từ du lịch và đi lại chiếm 20% GDP của nước này.
[Thêm 5 triệu đôla Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế]
Trong khi đó, Việt Nam sẽ ít bị tác động nhất so với các nước khác trong ASEAN, mặc dù cũng không miễn nhiễm với sự suy giảm mạnh các dòng chảy thương mại.
Báo cáo của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales nhận định ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2020, khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu phục hồi.
Ngoài ra, các gói kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ của các nước trên toàn khu vực cũng sẽ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2021, GDP toàn cầu mới có thể trở lại mức trước khủng hoảng.
Theo báo cáo, kinh tế ASEAN có thể đạt 8% trong năm 2021, sau khi rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020.
Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc BofA Global Research ước tính, khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam) có thể mất việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.
Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Dựa trên tỷ trọng số lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và các ngành nghề không chính thức tại các nước nói trên, BofA Global Research cho rằng Indonesia sẽ là nước buộc phải cắt giảm việc làm nhiều nhất với 9,4 triệu việc làm.
Số lao động mất việc làm tại các nước khác như Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng có thể lên tới hàng triệu người.
Những lao động trong một số lĩnh vực cụ thể như dịch vụ lưu trú và thực phẩm, bán buôn bán lẻ, bất động sản và dịch vụ kinh doanh… sẽ có nguy cơ mất việc cao hơn những người khác.
Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), hàng triệu lao động ở Đông Nam Á có thể bị mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột đình trệ, do chính phủ các nước trong khu vực tăng cường các nỗ lực chống đại dịch COVID-19.
ESCAP cho rằng trong khi chưa có dữ liệu chính xác về tác động của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực tuyển dụng, nhưng ảnh hưởng sẽ rất lớn bởi lĩnh vực dịch vụ và sản xuất cần nhiều lao động tạo nên 80% khu vực phi chính thức và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thống nhất hành động
Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) trực tuyến về ứng phó với đại dịch COVID-19 hồi tháng Tư, ASEAN đã tái khẳng định các cam kết nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và thanh khoản, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất và phân phối, nhất là các vật tư thiết yếu như vật tư y tế, thực phẩm và nông sản, giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và cá nhân dễ bị tổn thương, các ngành bị ảnh hưởng, cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Trước mắt, việc thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực đang gặp nhiều cản trở do các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cắt giảm đường bay, và đặc biệt là quyết định hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực và y tế chiến lược ở nhiều quốc gia.
Bởi vậy, quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN về bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với nhu yếu phẩm, là rất quan trọng.
Việc thực hiện quyết định này không dễ dàng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, khi diễn biến dịch còn phức tạp và nguyên tắc quốc gia tự cứu được đặt lên trên hết.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng hai Hội nghị cấp cao đặc biệt nói trên cũng đã tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp, khu vực tư nhân và các chủ thể khác.
Cũng tại hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo toàn bộ các nước ASEAN, Malaysia đã đề xuất ASEAN cần xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Theo Malaysia, kế hoạch của ASEAN không nên chỉ tập trung vào các khía cạnh tài chính, mà còn cần hướng đến các mạng lưới an toàn xã hội, an ninh lương thực và giáo dục.
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Malaysia, kế hoạch khôi phục kinh tế của ASEAN cũng cần bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ đáp ứng nhu cầu của 600 triệu người dân trong khu vực.
Nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cũng như hạ tầng cần được đảm bảo, thông qua các dòng chảy thương mại bằng cả đường biển, hàng không và đường bộ. Các nước thành viên ASEAN cần làm việc cùng nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.
Cũng theo đề xuất của Malaysia, các quốc gia thành viên ASEAN không nên áp dụng những cản trở không cần thiết gây ảnh hưởng đến dòng chảy nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác.
Malaysia cho rằng ASEAN cần phát triển thành một trung tâm tăng trưởng và là một nguồn lực mới, không chỉ phục vụ cho người dân trong khu vực mà còn cho cả thế giới.
Nước này cũng ủng hộ việc thành lập Quỹ phản ứng ASEAN về COVID-19 với mục tiêu tăng cường kho dự trữ khẩn cấp dành cho bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh nào trong tương lai.
Còn tại hội nghị đặc biệt thông qua hình thức trực tuyến hôm 29/4 giữa các Bộ trưởng Du lịch của 10 nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết các Bộ trưởng đã thông qua trên nguyên tắc “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Du lịch ASEAN về tăng cường hợp tác nhằm hồi sinh ngành du lịch.”
Các bộ trưởng nhất trí cam kết với một kế hoạch phòng ngừa, trong đó từng nước chia sẻ thông tin thông qua Nhóm Liên lạc Khủng hoảng Du lịch ASEAN, đồng thời tìm kiếm hợp tác từ các tổ chức quốc tế để cùng nhau khôi phục lĩnh vực du lịch sau đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan, nếu chưa phát triển được vắcxin ngừa COVID-19 trong năm nay, tất cả các thành viên ASEAN nhất trí áp dụng các tiêu chuẩn chung, trong đó nhấn mạnh các biện pháp giãn cách xã hội cũng như vấn đề an toàn và vệ sinh trong các dịch vụ du lịch.
Các nước trong khu vực có chung quan điểm rằng du lịch nội địa sẽ được nối lại trong tháng 7/2020.
Nếu tình hình ở châu Á, kể cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể cải thiện vào quý cuối cùng của năm nay thì du lịch nội vùng châu Á sẽ giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 trong khu vực.
Trong vấn đề việc làm, một số nước trong khu vực đã đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ hàng loạt cho người lao động thất nghiệp mới từ các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ nhà hàng khách sạn và ngành may mặc.
Thái Lan đã hỗ trợ 5.000 baht (161 USD)/tháng trong 3 tháng cho khoảng 9 triệu lao động tự do và phi chính thức.
Trong khi đó, trong ngân sách bổ sung của Singapore trị giá khoảng 48 tỷ đô la Singapore (34,5 tỷ USD), một phần đã được trích ra để chi trả cho người lao động thất nghiệp 800 SGD/tháng trong 3 tháng để giúp họ tìm việc làm mới hoặc đào tạo nghề./.