Tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến tới thời điểm này là 100 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long-Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến nay, số ca mắc bệnh trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công.
[Tăng cường phòng chống COVID-19 cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam]
Kết quả của 100 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc cộng đồng là nỗ lực của các ngành, địa phương.
Hầu hết ca bệnh nhập cảnh
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Đến nay, tại 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc bệnh COVID-19.
Theo cập nhật mới nhất đến sáng 25/7 của trang Wordometers, số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên tới gần 16 triệu trường hợp, trong đó có 641.759 ca tử vong và hơn 9,7 triệu người đã hồi phục.
Số ca mắc COVID-19 mới không có dấu hiệu chậm lại và lây lan nhanh nhất tại Mỹ và khu vực Nam Mỹ.
Mỹ và Brazil vẫn là hai nước có số ca nhiễm cao nhất nhì thế giới. Mỹ ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, còn Brazil có hơn 2,1 triệu ca nhiễm. 10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất gồm: Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Peru, Mexico, Chile, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh.
Đáng lo ngại khi chưa đầy 5 ngày qua, thế giới có thêm 1 triệu ca mắc mới. Có nhiều ý kiến cho rằng đang có "làn sóng thứ 2" của đại dịch COVID-19.
Thời gian qua Việt Nam đã ghi nhận 415 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đã có 365 trường hợp điều trị khỏi, còn 46 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 4 ca.
Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận các ca/chùm ca bệnh mới tuy nhiên các ca bệnh đều từ nước ngoài về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Theo nhận định của Bộ Y tế, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn cao, do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...
Ấn tượng Việt Nam kiểm soát tốt đường biên giới và cửa khẩu
Trong cuộc họp trực tuyến với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, Tiến sỹ Takeshi Kasai tiếp tục khẳng định và đưa ra ý kiến đánh giá Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới trong đẩy lùi dịch COVID-19.
Tiến sỹ Takeshi Kasai nhấn mạnh cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào. Ông ấn tượng trước việc Việt Nam kiểm soát tốt đường biên giới và cửa khẩu, cách ly giám sát để không lây lan ra cộng đồng. Ông hy vọng các chuyên gia Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng Tổ chức Y tế Thế giới và các nước trong khu vực về vấn đề này.
Theo giáo sư Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch COVID-19.
Hiện nay còn nhiều điều về virus SARS-CoV-2 đòi hỏi các nhà khoa học vẫn cần tiếp tục tìm hiểu, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắcxin phòng COVID-19.
Trước tình hình dịch trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và giữ vững thành quả chống dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong nước.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng thời gian qua việc thực hiện quy định đeo khẩu trang để phòng dịch có lơi lỏng, do vậy mọi người phải thực hiện nghiêm quy định khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người.
Về công tác bảo hộ công dân, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, tính đến thời điểm này Việt Nam đã tổ chức khoảng 60 chuyến bay, đưa khoảng 15.000 công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về nước (một số địa bàn dương tính nhiều như: Nga, UAE,…). Dự kiến thời gian tới sẽ đưa người từ Guinea xích đạo về nước, chuyến bay này dự kiến có khoảng 130 người mắc bệnh.
Về công tác chuẩn bị đón hơn 200 người lao động từ Guinia Xích đạo về nước, Bộ Y tế đã có Công văn giao Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lập kế hoạch, cử bác sỹ và điều dưỡng tham gia đoàn; và chuẩn bị nhân lực, cơ số giường bệnh, thuốc vật tư để tiếp nhận cách ly số 120 người đã nhiễm bệnh và tổ bay.
Bộ Y tế cũng có Công văn gửi Cục Lãnh sự-Bộ Ngoại giao giúp thủ tục cấp Hộ chiếu Công vụ sử dụng 1 lần cho các nhân viên y tế.
Theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đó là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, cương quyết không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, biên giới phải được kiểm soát tốt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm vệ sinh tay; che miệng và mũi khi ho và hắt hơi; không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay; hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1m; thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào./.