Trung Quốc giữ một vị thế kinh tế quan trọng và có "tỷ trọng" đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì thế, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) lan rộng từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, khiến chính phủ nhiều nước phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với các thách thức mới, và giới doanh nghiệp cũng phải chủ động để “tự cứu mình."
Chính phủ tiên phong hành động
Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) trong tháng 2/2020 đã cắt giảm lãi suất từ 1,25% xuống mức thấp kỷ lục 1% nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với một loạt các thách thức. Ngân hàng này cho biết chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình xoay xở trong bối cảnh các nguy cơ đang gia tăng do nợ nhiều lên.
Giới phân tích dự đoán BoT sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa, có thể là trong tháng Ba tới.
Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, giới chức Thái Lan đã thực hiện một loạt biện pháp để gỡ khó cho giới doanh nghiệp, trong đó có cắt giảm thuế, nới lỏng các điều khoản trả nợ và kéo dài thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng Ba sang tháng Sáu.
Trong khi đó, Singapore, Philippines, Indonesia và nhiều nước khác cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần thiết. Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết có đủ khả năng để giảm lãi suất trước sự suy yếu của tình hình kinh tế do dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương Philippines cũng hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75% trong tháng 2/2020.
Khoảng 10% nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này còn cao hơn ở nhiều nền kinh tế như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Malaysia.
Các chuyên gia của Fitch Solutions Macro Research mới đây dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ giảm từ mức 4,3% của năm 2019 xuống còn 4% nếu dịch bệnh nói trên khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc hơn nữa.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Pan Gongsheng cho biết PBoC sẽ tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế để giảm thiểu tác động từ sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 (nCoV).
Ông Pan Gongsheng nói rằng về mặt chính sách tiền tệ, bước tiếp theo của PBoC là tăng cường điều chỉnh chính sách nghịch chu kỳ, duy trì mức thanh khoản hợp lý và dồi dào, tạo ra một môi trường tiền tệ và tài chính hợp lý cho nền kinh tế.
[Hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế năm 2020 từ tác động của Covid-19]
Phó Thống đốc PBoC cũng lưu ý trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh và áp lực suy giảm gia tăng đối với nền kinh tế, điều quan trọng là duy trì được đà tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc.
Ông Pan Gongsheng nhắc lại rằng Trung Quốc có đủ các công cụ chính sách để đối phó với áp lực từ dịch bệnh. PBoC sẽ sử dụng các công cụ như cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, cho vay lại và tái chiết khấu để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng của nước này.
Các nhà phân tích dự báo mức tăng trưởng quý 1/2020 của Trung Quốc có thể giảm từ 2 điểm phần trăm trở lên so với mức 6% trong 4/2019. Nhưng giới phân tích cũng nói rằng hoạt động kinh doanh và tiêu dùng có thể hồi phục mạnh nếu dịch bệnh sớm đạt đỉnh điểm, tương tự như những gì đã xảy ra trong dịch SARS hồi năm 2003.
Giới doanh nghiệp lao đao
Du lịch và hoạt động đi lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi quyết định của Trung Quốc trong việc "phong tỏa" nhiều thành phố và cấm các tour du lịch nhóm ra nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh. Nhiều nước khác cũng khuyến cáo công dân nước mình tránh đến Trung Quốc.
Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc, như hãng hàng không Air Canada, Air France-KLM, American Airlines, British Airways, Delta, Finnair, Lufthansa, United Airlines và Virgin Atlantic. Trong đó, hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đang chịu ảnh hưởng tài chính nặng nề và vừa qua đã yêu cầu toàn bộ nhân viên 27.000 người của hãng nghỉ không lương lên đến ba tuần.
Các hãng tàu biển MSC Cruises, Costa Cruises và Royal Caribbean đã hủy các điểm dừng ở Trung Quốc, trong khi nhiều hãng tàu khác đã quyết định từ chối các hành khách đã từng đến Trung Quốc, Hong Kong hay Macau (Trung Quốc) trong 14 ngày trở lại.
Ngành điện tử không phải là ngoại lệ. “Gã khổng lồ” công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc) Foxconn đang yêu cầu nhân viên nghỉ làm đến 14 ngày, tương đương thời gian ủ bệnh của virus corona. Điều này có thể tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu cho các công ty công nghệ phụ thuộc vào Foxconn để lắp ráp nhiều sản phẩm, từ điện thoại iPhone của Apple đến máy tính xách tay và tivi màn hình phẳng.
Về phần mình, Apple đang lên các kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ các nhà cung cấp ở Trung Quốc.
Vũ Hán, nơi bùng phát đầu tiên dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, là một trung tâm đối với các nhà sản xuất ôtô nước ngoài đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc kéo dài thời gian nghỉ của nhân viên sau dịp Tết Nguyên đán đã làm gia tăng những lo ngại về hiệu ứng domino của nó.
Hyundai Motor Co., nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc xét về doanh số, đã tạm ngừng tất cả các nhà máy lắp ráp ôtô ở trong nước do thiếu nguồn phụ tùng từ Trung Quốc. Nhà sản xuất ôtô Toyota của Nhật Bản đã kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy của hãng này ở Trung Quốc đến ngày 16/2.
Tập đoàn Renault của Pháp cho biết sẽ ngừng hoạt động nhà máy của hãng ở Busan (Hàn Quốc) trong bốn ngày do vấn đề về nguồn cung từ Trung Quốc. Nhà sản xuất xe điện Tesla cho biết, dịch bệnh do virus corona có thể làm thay đổi kế hoạch gia tăng sản xuất tại nhà máy lớn mới của hãng ở Thượng Hải và ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận quý này.
Chuyên gia tư vấn Hearsch của công ty AlixPartners nhận xét các nhà sản xuất ôtô hiện nay có thể có nhiều nguồn hàng dự phòng hơn so với trước đây, sau khi áp dụng các biện pháp dự phòng sau trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi năm 2011.
Tuy nhiên, không phải tất cả nguồn hàng sản xuất tại tỉnh Hồ Bắc có thể dễ dàng được thay thế. Nếu các nhà máy tại Trung Quốc vẫn đóng cửa đến tháng Ba, sản lượng ôtô của nước này có thể sẽ giảm hơn 1,7 triệu xe, theo dự đoán của IHS./.