Vào 10 giờ sáng 18/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 ở Đông Anh) tổ chức lễ xuất viện cho 2 bệnh nhân nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) còn lại đang điều trị tại đây.
Trước đó, bệnh viện này cũng đã chữa khỏi và cho xuất viện 3 bệnh nhân COVID-19.
[Thủ tướng: Không kỳ thị trong phòng chống dịch COVID-19]
Số bệnh nhân khỏi bệnh tăng thêm
Cả 2 bệnh nhân đều là người Vĩnh Phúc, gồm một người trở về từ Vũ Hán và một người có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19 trước đó.
Bệnh nhân thứ nhất là anh Phạm Văn Ch. (29 tuổi, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Bệnh nhân vào viện ngày 26/1/2020.
Bệnh nhân Ch. trong đoàn công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán, Hồ Bắc trong 2,5 tháng, trở về Việt Nam ngày 17/01/2020. Bệnh nhân xuất hiện đau rát họng, ho từ 21/01/2020.
Ngày 26/1, bệnh nhân Ch. còn sốt cao, đến khám và nhập viện tại khoa cấp cứu, được xác định dương tính với mẫu xét nghiệm lấy ngày 26/1.
Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân hết sốt, toàn trạng ổn định. Tuy nhiên xét nghiệm SARS-CoV 2 còn dương tính tiếp 2 lần ngày 7/2 và 9/2. Tiếp đó bệnh nhân được xét nghiệm 2 mẫu âm tính ngày 11 và 12/2. Hiện tại bệnh nhân Ch. sức khỏe ổn định, hết sốt 10 ngày, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân thứ hai là bà N.T.Y. (55 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Bà Y. được xác định nhiễm COVID-19 vào ngày 9/2. Bà Y. là hàng xóm của nữ công nhân N.T.D. (23 tuổi, mắc bệnh và ra viện hôm 10/2).
Bệnh nhân Y. tiếp xúc với người được xác định nhiễm Covid-19. Ngày 30/1, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Đến ngày 05/2 bệnh nhân còn sốt, tức ngực, đau đầu, đau mỏi người, vào cách ly tại trạm y tế Quang Hà.
Từ ngày 5-9/2, bệnh nhân còn sốt, kèm thêm ho khan, chụp XQ có viêm phổi, xét nghiệm xác định nhiễm Covid-19 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Bệnh nhân Y. xét nghiệm các kết quả ngày 12/2 và 15/2 đều âm tính, tình trạng viêm phổi cải thiện. Hiện tại toàn trạng của bệnh nhân Y. ổn định. Các kết quả X quang, xét nghiệm đều bình thường.
Như vậy, đến nay, cả nước đến nay ghi nhận 16 ca dương tính với bênh. Vĩnh Phúc đang là tỉnh có nhiều người mắc COVID-19 nhất (với 11 bệnh nhân), Thành phố Hồ Chí Minh có 3 bệnh nhân, Khánh Hoà có 1 bệnh nhân, Thanh Hoá cũng có 1 bệnh nhân.
Nguồn lây nhiễm ở Vĩnh Phúc là từ một nhóm 8 công nhân Công ty Nihon Plast được cử đến Vũ Hán (tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc), tập huấn trước đó và về nước vào ngày 17-1. Một trong 8 công nhân này là Nguyễn Thị D. đã lây cho 5 người khác gồm bố, mẹ, em gái, chị họ, hàng xóm và bé 3 tháng tuổi lây bệnh từ người bà ngoại là chị họ của D.
Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh COVID-19 (nCoV) được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn sau: Hết sốt ít nhất 3 ngày; các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X- quang phổi cải thiện; hai mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau ít nhất 1 ngày) xét nghiệm âm tính với COVID-19 (nCoV).
Đại diện Bộ Y tế cho hay dự kiến ngày hôm nay, 18/2, sẽ có tổng số 6 bệnh nhân mắc COVID-19 được ra viện, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh tại Việt Nam là 13/16 bệnh nhân.
Trước đó, các bác sỹ tại Việt Nam đã điều trị cho 7 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện.
Việt Nam phân tuyến điều trị hiệu quả
Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra, Bộ Y tế ngay từ đầu đã phân tuyến điều trị ở các cấp, theo phương châm 4 tại chỗ.
Phương châm 4 tại chỗ gồm: Phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện là tuyến cơ sở đầu tiên, sau đó lên tuyến trên khi người bệnh có triệu chứng cần phải đáp ứng được nhu cầu điều trị.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê phân tích: Để ứng phó và phòng chống bệnh COVID-19, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam từ Trung ương về xã cùng vào cuộc để phòng chống dịch bệnh. Nhân viên của trạm y tế xã đảm đương việc phát hiện, giám sát, theo dõi các trường hợp được cách ly tại cộng đồng.
“Ngành y tế hạn chế chuyển bệnh nhân lên các tuyến trên và các tỉnh khác nhau. Các ca bệnh thông thường được giám sát cách ly, điều trị tại trung tâm y tế huyện, nếu nặng hơn mới lên tuyến tỉnh và tùy diễn biến nặng hơn mới chuyển lên tuyến Trung ương. Y tế tuyến xã, thôn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp chính quyền địa phương theo dõi, chăm sóc, động viên tinh thần bệnh nhân sau khi điều trị khỏi, trở về gia đình và cộng đồng,” ông Khuê nhấn mạnh.
Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến về các bệnh viện cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi quá khả năng điều trị. Điều này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị người dân khi có biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) đến các cơ sở y tế tuyến cơ sở để khám. Bộ Y tế có những đội phản ứng nhanh để hỗ trợ đơn vị địa phương khi họ có những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cho người dân./.