COVID-19 có thể khiến Bundesliga lâm vào tình cảnh trớ trêu

COVID-19 làm xáo trộn hợp đồng và hệ thống lương của Bundesliga

Hơn 70 cầu thủ Bundesliga hết hạn hợp đồng vào ngày 30/6/2020, đó là còn chưa kể đến các huấn luyện viên và hiện chưa có hướng giải quyết những hợp đồng này khi mà mùa giải đang bị hoãn vì COVID-19.
COVID-19 làm xáo trộn hợp đồng và hệ thống lương của Bundesliga ảnh 1Nhân viên vệ sinh tẩy trùng cho băng ghế huấn luyện (Nguồn: Bundesliga.de)

Đại dịch COVID-19 đã khiến thể thao thế giới, đặc biệt là các giải bóng đá vô địchquốc gia bị ngừng trệ.

Tại Bundesliga, ngoài việc giải đấu phải tạm hoãn đến tận ngày 2/4, đồng nghĩa với việc giải đấu có thể kéo dài đến tháng 6, thì điều đang làm cho Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đau đầu không kém là hợp đồng của nhiều cầu thủ có thể mãn hạn trước khi giải đấu hạ màn!

Điều đó đồng nghĩa câu hỏi, nếu chấp nhận ra sân thì cầu thủ đã hết hạn hợp đồng sẽ được trả lương như thế nào?

Câu chuyện hợp đồng

Hiện vấn đề hợp đồng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các ngôi sao của BVB Dortmund như Mario Gotze và Lukas Piszczek cũng như Charles Aranguiz hoặc Vedad Ibisevic của Hertha Berlin.

Tất nhiên, ba cầu thủ đang thi đấu cho Bayern Philippe Coutinho, Ivan Perisic và Alvaro Odriozola dưới hình thức mượn cũng không ngoại lệ.

Tất cả họ đều nằm trong số hơn 70 cầu thủ Bundesliga hết hạn hợp đồng vào ngày 30 tháng 6 năm 2020. Đó là còn chưa kể đến các huấn luyện viên.

Theo như truyền thống, đây cũng là ngày kết thúc mùa bóng Bundesliga cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác nếu như mọi việc diễn ra bình thường. Nhưng trong hoàn cảnh virus SARS-CoV-2 đang hoành hành, đặc biệt là các nước châu Âu như hiện nay thì không có gì còn là bình thường nữa!

[Dịch COVID-19: Tổng số ca nhiễm tại châu Âu vượt 100.000 người]

Chưa bao giờ trong lịch sử, vấn đề hợp đồng giữa các câu lạc bộ với cầu thủ lại trở nên nghiêm trọng như vậy. Chưa ai biết vấn đề sẽ được giải quyết ra sao nếu như giải đấu kéo dài qua ngày 30/6 - nhất là khi điều này đang dần trở thành một thực tế.

Đã có nhiều ý kiến về việc hủy bỏ giải đấu mùa này, nhưng nó quá ít khả thi, đơn giản, Bundesliga sẽ mất tổng cộng từ tiền vé, nhà tài trợ, truyền hình... số tiền lên đến hơn 800 triệu euro.

Thêm vào đó, Bundesliga đang tạo ra 56.000 việc làm trên toàn nước Đức - số phận của họ và gia đình sẽ ra sao trong hoàn cảnh đã không mấy khả quan như hiện nay?

Công đoàn các cầu thủ Đức (VDV) được thành lập năm 1987 và hiện đang có hơn 1.400 thành viên. Cơ quan chính thức đại diện cho quyền lợi cầu thủ, đang đứng trước một thử thách vô cùng phức tạp. Chủ tịch VDV Ulf Baranowsky nói với Eurosport cho hay: "Chúng tôi đang tập trung vào những giải pháp ngắn hạn trước mắt, làm sao có thể đưa ra những hướng đi hợp lý nhất tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của cá nhân cầu thủ.'

Chuyên gia về pháp luật của VDV, Luật sư Dr. Andrej Dalinger chia sẻ với Sport 1: "Theo tôi, câu lạc bộ hiện tại và cầu thủ có thể ra hạn thêm một tháng với một hợp đồng đặc biệt nếu như câu lạc bộ chủ quản tiếp theo của họ đồng ý. Nhưng ngược lại, nó sẽ là một rủi ro rất lớn cho cầu thủ chưa có bến đỗ mới hoặc đang chấn thương. Lúc này chúng tôi sẽ đưa họ vào diện 'nạn nhân phá sản' để họ có thể nhận được trợ giúp khi đi tìm câu lạc bộ mới."

Tiền lương cầu thủ

Một giải pháp mà Borussia Mönchengladbach đang đi tiên phong khi họ đặt cầu thủ vào tình trạng "nửa thất nghiệp" với lý do "dư thừa lao động tạm thời." Với cách này, đến khi Bundesliga có thể tiếp tục thi đấu Mönchengladbach vẫn có nguyên một đội hình thi đấu mà vẫn có thể tiết kiệm chi phí trong thời gian này.

Trên thực tế, các đội bóng hạng 2 và hạng 3 như như SV Meppen hoặc Carl Zeiss Jena khi không có tiềm lực tài chính như các câu lạc bộ Bundesliga đã làm điều này rồi. Cả hai đội bóng này đã đăng ký thất nghiệp hoàn toàn cho các cầu thủ của mình tại Sở Lao động địa phương.

Khi cầu thủ "nửa thất nghiệp," Sở Lao động sẽ hỗ trợ một phần tiền lương họ thiếu hụt từ câu lạc bộ. Khi họ thất nghiệp hoàn toàn, Sở Lao động địa phương nơi có câu lạc bộsẽ phải gánh trách nhiệm này.

Tại Bayern, thống đốc bang Bayern Makus Söder đã đưa ra một đề xuất: Cầu thủ tự nguyện đi một phần tiền lương của mình.

COVID-19 làm xáo trộn hợp đồng và hệ thống lương của Bundesliga ảnh 2Sân bóng sẽ còn vắng lặng đến bao giờ nữa? (Nguồn: Bundesliga.de)

Ông nói với Bild: "Tôi thấy là ổn thôi khi cầu thủ lương cao như vậy tự bớt đi một phần thu nhập của mình để giảm tải cho câu lạc bộ, để có thể tiếp tục nuôi sống bóng đá. Đoàn kết là cần thiết hiện nay, không chỉ từ câu lạc bộ mà cả phía cầu thủ."

[Đội tuyển Đức ủng hộ 2,5 triệu euro, chung tay chống COVID-19]

Đề xuất này đang làm Bundesliga dậy sóng, nó gặp phải sự phản đối gay gắt của rất nhiều cầu thủ cũng như phía câu lạc bộ. Horst Heldt, Giám đốc điều hành thể thao 1. FC Köln: " Ông ta làm chính trị, ông ấy có hiểu chuyện gì sẽ diễn ra không. Tốt nhất ông ấy hãy im đi!"

Về lý thuyết, việc thực hiện đề xuất của Söder không phải là vấn đề. "Từ quan điểm pháp lý, việc từ bỏ lương sẽ là khả thi," luật sư Dalinger giải thích. Đây là một vấn đề đàm phán giữa cầu thủ và câu lạc bộ. Tuy nhiên: "Nếu không có sự đồng ý của người 'lao động', việc giảm lương sẽ không được phép," luật sư Dalinger giải thích.

Một lần nữa Borussia Mönchengladbach lại là câu lạc bộ đi đầu trong việc này khi các cầu thủ tự nguyện giảm một phần lương giúp cho Borussia Mönchengladbach giảm chi phí mỗi tháng 1 triệu euro. Giám đốc thể thao Max Eberl nói về các cầu thủ của mình: " Tôi tự hào về họ, chúng tôi sát cánh bên nhau kể cả trong những lúc khó khăn nhất."

Nhưng 17 câu lạc bộ còn lại của Bundesliga có làm theo Borussia Mönchengladbach không, chưa có một động tĩnh nào từ họ.

Và Bundesliga đang đứng trước những câu hỏi chồng chất mà câu trả lời còn phụ thuộc vào việc - bao giờ châu Âu sẽ không chế được đại dịch, và chắc chắn đó không phải ngày mai!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục