COVID-19: Đức nghiên cứu hậu quả lâu dài ở những người đã khỏi bệnh

Dù đã khỏi bệnh, nhưng nhiều bệnh nhân COVID-19 vẫn thường xuyên bị nhức đầu, khó thở hay suy nhược thần kinh và những trường hợp này có thể lên tới con số hàng trăm nghìn người ở Đức.
COVID-19: Đức nghiên cứu hậu quả lâu dài ở những người đã khỏi bệnh ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Stuttgart, miền Nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù đã khỏi bệnh, nhưng nhiều bệnh nhân COVID-19 vẫn thường xuyên bị nhức đầu, khó thở hay suy nhược thần kinh.

Những biểu hiện trên chính là ảnh hưởng lâu dài (Long-COVID) của căn bệnh này và thậm chí nhiều trường hợp khó tìm lại nhịp sống bình thường. Các trường hợp này có thể lên tới con số hàng trăm nghìn người ở Đức.

Để tìm hiểu rõ hơn về những hậu quả liên quan tới các trường hợp kể trên, ngày 31/5, Bộ trưởng Giáo dục và nghiên cứu Liên bang Đức Anja Karliczek đã công bố chương trình tài trợ trị giá 5 triệu euro để nghiên cứu những hậu quả lâu dài ở những người từng bị nhiễm COVID-19. Bà nêu rõ có khoảng 50 triệu chứng khác nhau và chúng "rất đặc thù."

Bệnh nhân bị Long-COVID thường bị đau đầu tái phát, mất sức hoặc khó tập trung, suy nhược thần kinh, rối loạn mùi vị và thậm chí không thể đi làm trở lại. Những tác động lâu dài được đề cập cũng có thể xảy ra không chỉ với người mắc COVID-19 nặng, mà cả ở những người thể nhẹ.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Köln đăng trên tạp chí khoa học Lancet cho biết trong số các bệnh nhân điều trị tại một cơ sở điều trị ngoại trú hậu COVID-19 ở Köln, cứ 8 bệnh nhân đã khỏi bệnh được bảy tháng thì có một người vẫn có những triệu chứng như trên.

Theo tỷ lệ này, nếu căn cứ theo số người đã khỏi bệnh cho tới nay ở Đức vào khoảng 3,5 triệu người thì Đức đang có hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng "hội chứng hậu COVID-19" kéo dài.

[Đức miễn cách ly với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine COVID-19]

Các nhà chuyên môn kêu gọi sớm điều trị phục hồi chức năng cho những bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt, bị suy giảm cơ và cùng nhiều biểu hiện khác.

Những trường hợp này cần được điều trị tổng hợp với sự trợ giúp các bác sỹ vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng và những người chuyên môn khác.

Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết luật hãm phanh khẩn cấp toàn liên bang sẽ vẫn có hiệu lực cho tới cuối tháng Sáu này.

Theo ông, nếu diễn biến dịch bệnh ngày một tốt hơn như trong những tuần qua, Đức hy vọng có thể bãi bỏ luật hãm phanh khẩn cấp vào ngày 30/6 này. Với luật phanh khẩn cấp được thông qua vào tháng 4/2021, các địa phương có tỷ lệ nhiễm bệnh cao phải áp đặt bắt buộc các biện pháp hạn chế, trong đó có giới nghiêm ban đêm, hạn chế tiếp xúc, hạn chế hoạt động của các cơ sở thể thao, thương mại, đóng cửa trường học,...

Chính phủ Đức cũng kỳ vọng chỉ số lây nhiễm trung bình bảy ngày hiện ở mức 35 ca/100.000 dân như hiện nay tại nhiều bang sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa.

Theo thông báo của các cơ quan y tế Đức tối 31/5, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 1.796 ca nhiễm mới và 55 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 3,681 triệu ca nhiễm và 88.475 ca tử vong. Trên cả nước Đức đang có khoảng 104.100 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục