Chứng kiến sự hủy diệt khủng khiếp của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế xanh, người Việt chợt bừng tỉnh, hầu hết đều bắt đầu quan tâm tới những giá trị bền vững và lối sống bền vững.
Trong một nghiên cứu quy mô lớn gần đây, kết quả cho thấy 88% du khách Việt Nam tham gia khảo sát tiết lộ rằng đại dịch đã thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn trong tương lai, 41% thừa nhận cũng chính đại dịch đã khiến họ thay đổi quan điểm để hướng tới lối sống tích cực hơn…
“Phá” rào cản nhận thức
Có thể nói, ở một khía cạnh nào đó, COVID-19 đã góp phần thức tỉnh nhận thức, thiết lập một lối sống mới vốn không dễ gì lay chuyển của số đông.
[Du lịch Việt có thể học hỏi gì thế giới trong ‘trận chiến' COVID-19?]
Kết quả nghiên cứu của Booking.com từ 29.000 du khách trên 30 quốc gia bao gồm Việt Nam cho thấy, cam kết hướng tới bền vững trong sinh hoạt hằng ngày của du khách cũng nhất quán với ý định của họ cho các chuyến du lịch sau này.
Theo đó, 88% du khách Việt muốn giảm rác thải tổng hợp, 86% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng (ví dụ như tắt điều hòa không khí và đèn khi ra khỏi phòng); 81% muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe; 84% du khách Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa bản địa; 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng…
Ngoài ra, 64% du khách Việt chấp nhận tránh các điểm đến phổ biến nhằm “giảm tải” cho những nơi đã quá đông đúc đồng thời góp phần phân chia lợi ích từ du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách ghé qua.
Điều đáng nói là mọi thứ đã không chỉ dừng lại ở nhận thức về bền vững, mà ngày càng nhiều du khách Việt đang biến thành hành động khi đi du lịch trong 12 tháng qua. Có tới 52% du khách cho biết đã tắt máy lạnh/lò sưởi trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch; 44% tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương…
Thật bất ngờ khi 100% du khách Việt trả lời rằng trong năm tới họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn đó khi 14% số người nói rằng họ đã không lưu trú tại chỗ nghỉ bền vững trong năm qua; 47% thổ lộ họ không hề biết có những chỗ nghỉ như vậy; 42% lại không tìm được lựa chọn nào tại điểm đến và 54% không biết làm thế nào để tìm.
Song thực tế cho thấy đến 41% khách Việt tin rằng trong năm 2021 sẽ vẫn chưa có đủ các lựa chọn cho du lịch bền vững.
Giải pháp cho du lịch bền vững
“Trong suốt sáu năm tiến hành nghiên cứu, chúng tôi đã được truyền cảm hứng khi chứng kiến nhận thức về tầm quan trọng của du lịch bền vững ngày càng gia tăng ở du khách và ở cả các đối tác. Chúng ta đều có chung những ý định được du lịch bền vững, song vẫn còn rất nhiều thử thách để biến những ý định thành hành động…
Những thay đổi nhỏ như giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần hoặc chuyển sang bóng đèn LED tiết kiệm điện nghe có vẻ không đáng kể trong từng trường hợp, nhưng khi nhân lên hàng triệu du khách và khách sạn, nhà nghỉ khắp thế giới, tất cả những bước nhỏ này cộng hưởng lại sẽ mang đến tác động tích cực vô cùng lớn,” Marianne Gybels, Giám đốc về Phát triển bền vững của Booking.com chia sẻ.
Ở Việt Nam, không chỉ người dân đã có những thay đổi nhận thức về du lịch, mà các cấp quản lý ban, ngành và Chính phủ cũng đã bắt đầu có cái nhìn khác đối với tính bền vững của nền kinh tế xanh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.
Quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Để quy hoạch có thể triển khai, giải pháp được Chính phủ đưa ra bao gồm: giải pháp về phát triển sản phẩm-thị trường du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; giải pháp phát triển doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch; giải pháp liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; giải pháp phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phát triển du lịch; giải pháp về đầu tư phát triển du lịch.
Ngoài ra còn có các giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch…/.