Ngày 21/4, Cuba lại có thêm một ngày ghi nhận số ca mắc mới COVID- 19 vượt mức 1.000 ca/ngày.
Giới chức đảo quốc Caribe này cho biết đã có thêm 1.006 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Cuba cũng ghi nhận thêm chín ca tử vong mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 96.760 ca, trong đó có 547 ca tử vong.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cảnh báo nguy cơ lây lan của biến thể mới nguồn gốc tại Nam Phi tại nước này, do vậy theo ông, Cuba cần điều chỉnh các quy định phòng dịch theo hướng gắt gao hơn.
Chủ tịch Diaz-Canel cho rằng nếu không hành động nhanh chóng thì sự lây lan của biến thể mới càng gia tăng.
Cuba đang đối mặt với làn sóng dịch mới kể từ tháng Một trong bối cảnh giới chức nước này ban hành lệnh đóng cửa tại các địa điểm công cộng, siết chặt đi lại đồng thời yêu cầu xét nghiệm và cách ly đối khách nhập cảnh.
Trong khi đó, Cuba đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau đối với năm loại vaccine ngừa COVID-19, gồm Soberana-02, Abdala, Soberana Plus, Soberana-01 và Mambisa.
[Dịch COVID-19: Cuba ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới 5 ngày liên tiếp]
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cảnh báo nước này đang trong "khoảng thời gian tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca tử vong vượt mốc 60.000 ca. Argentina đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc mới theo ngày tăng cao trong nhiều tuần qua.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Vizzotti cho biết Argentina đã chứng kiến sự lây lan mạnh của các biến thể mới với việc số ca mắc mới tăng mạnh tại thủ đô Buenos Aires và khu vực lân cận. Trước đó, giới chức Argentina đã buộc phải siết chặt đi lại và đình chỉ các hoạt động trong nhà tại khu vực này.
Tính đến ngày 21/4, Argentina đã ghi nhận 2.769.552 ca mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong là 60.083 ca. Nước này đang triển khai chương trình tiêm chủng, sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Một phòng thí nghiệm Argentina cho hay đã sản xuất thử nghiệm một lô vaccine Sputnik V trước khi bước vào sản xuất đại trà loại vaccine này vào cuối năm nay.
Tại Uruguay, các y bác sỹ đang nỗ lực để cứu sống các bệnh nhân COVID-19 khi mà tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này trở nên nghiêm trọng hơn.
Với dân số chỉ 3,5 triệu dân, Uruguay đã mất đi hình mẫu về việc kiểm soát dịch COVID-19. Thống kê của AFP cho thấy tỷ lệ lây nhiễm mới trong hai tuần qua tại nước này là 1.331 ca trên mỗi 100.000 dân - mức cao nhất thế giới.
Riêng trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 3.274 ca mắc mới và 61 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 172.601 ca và 2.083 ca.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Uruguay chưa từng áp đặt lệnh phong tỏa, các cửa hàng và quán bar tiếp tục mở cửa. Theo các chuyên gia y tế, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và việc giáp với Brazil - quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc, là những nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh hơn tại Uruguay.
Theo thống kê, gần 75% trong tổng số 978 giường điều trị tích cực tại Uruguay đã được sử dụng. Trước tình hình này, Uruguay đang kỳ vọng việc tiêm chủng sẽ giúp cải thiện tình hình. Cho tới nay, gần 33% dân số nước này đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên trong khi đó 10% dân số đã hoàn thành việc tiêm chủng.
Cùng ngày, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), bà Carissa Etienne, cảnh báo việc chính quyền các địa phương tại Brazil nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể đảo ngược những tiến triển trong phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc mới, gồm khu vực Amazon, có dấu hiệu giảm.
Giám đốc PAHO cũng nhận định về tình hình dịch bệnh tại các nước Mỹ Latinh. Theo đó, bà cảnh báo số ca mắc mới gia tăng tại hầu hết các nước Trung Mỹ như Cuba, Puerto Rico và Cộng hòa Dominica. Riêng tại Mexico, số ca mắc mới đã tăng nhẹ sau dịp lễ Phục sinh và các nhà chức trách nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Bà cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng lan truyền "tin đồn và thuyết âm mưu" tại khu vực này về tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, tại Nam Mỹ, Colombia, Venezuela, Bolivia, Uruguay và Argentina là những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay do dịch COVID-19.
Theo bà Etienne, cho tới nay, thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 4,2 triệu liều vaccine đã được phân bổ tới 29 quốc gia ở châu Mỹ./.