COVID-19: Bộ Y tế Thái Lan đề xuất các biện pháp phòng dịch mới

Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất thực hiện các biện pháp phong tỏa trọng điểm và một hệ thống mã màu mới để phân biệt các tỉnh có nguy cơ nhất trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan ngày 26/4 ghi nhận thêm 2.048 ca mắc mới COVID-19 (trong đó có 10 ca ngoại nhập) và 8 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 57.508 ca và tổng số người không qua khỏi lên 148 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất thực hiện các biện pháp phong tỏa trọng điểm và một hệ thống mã màu mới để phân biệt các tỉnh có nguy cơ nhất trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba.

Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết cuộc họp khẩn của Trung tâm điều hành khẩn cấp y tế ngày 25/4 đã nhất trí rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ được thắt chặt với việc khoanh vùng dựa trên hệ thống mã màu mới để xác định các tỉnh bị ảnh hưởng.

Trong hệ thống mã hóa màu mới, sẽ chỉ có ba vùng Đỏ sẫm (được kiểm soát đặc biệt, tối đa), Đỏ và Da cam để đối phó với tình hình hiện tại, thay cho hệ thống 4 vùng trước đây là Đỏ, Da cam, Vàng và Xanh.

Ngoài ra, các ủy ban về bệnh truyền nhiễm ở tất cả 77 tỉnh trên toàn quốc sẽ được yêu cầu áp dụng các biện pháp phong tỏa trọng điểm để cấm các hoạt động liên quan đến tụ tập đông người. Những đề xuất trên sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) xem xét.

[Thái Lan lần đầu ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức hai chữ số]

Kể từ ngày 26/4, chính quyền vùng đô thị Bangkok đã yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Người vi phạm sẽ bị phạt 20.000 baht (khoảng 640 USD) theo Luật về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan.

Chính quyền Bangkok kỳ vọng quy định đeo khẩu trang sẽ giúp giảm dần số ca ở thủ đô vì đây là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm mới.

Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha dự kiến sẽ có cuộc gặp với khu vực tư nhân vào 28/4 bàn về việc mua thêm và phân bổ nhiều vaccine ngừa COVID-19 hơn.

Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết Thủ tướng cũng muốn có tư vấn từ khu vực tư nhân để ông có thể quyết định các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 ở nước này sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 với việc mở đăng ký thông qua ứng dụng trên điện thoại di động MorPrompt hoặc trên nền tảng mạng xã hội Line.

Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng người COVID-19 từ ngày 28/2, ban đầu tập trung vào các nhóm ưu tiên, trong đó tập trung vào các nhân viên y tế, với hai loại vaccine là Sinovac của Trung Quốc và Oxford/AstraZeneca.

Trong gần hai tháng qua, mới chỉ có 864.840 người được tiêm phòng, trong đó có khoảng 120.000 người được tiêm mũi thứ hai. Giai đoạn thứ hai của chiến dịch tiêm chủng sẽ nhằm vào các đối tượng người cao tuổi từ 60 trở lên và những người có bệnh nền. Những người này sẽ được tiêm vaccine AstraZeneca trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7.

Dự kiến, giai đoạn ba của chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu trong tháng 8 dành cho những người trong đội tuổi từ 18-59 với những vaccine được sử dụng là Sinovac, Sputnik V, AstraZeneca và Pfizer.

Thái Lan đặt mục tiêu có được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số gần 70 triệu người trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục