Theo báo The Economic Times số ra ngày 16/10, Ấn Độ sẽ có dư thừa vaccine COVID-19 để nối lại đầy đủ sứ mệnh Vaccine Maitri (vaccine hữu nghị) - sáng kiến xuất khẩu vaccine sang các nước khác mà New Delhi đình chỉ hồi cuối tháng 3/2021 do sự bùng phát của làn sóng dịch thứ hai.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn báo trên cho hay trong một tuần qua, Ấn Độ đã chuyển 4 triệu liều vaccine COVID-19 đến Nepal, Bangladesh, Myanmar và Iran, mỗi nước 1 triệu liều. Theo số liệu sản xuất trong bản phân tích của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này sẽ nhận được 280 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 10, nhiều hơn 20 triệu liều so với số lượng sẵn có của tháng 9.
Trong tổng số vaccine này sẽ bao gồm khoảng 220 triệu liều Covishield của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và 60 triệu liều Covaxin của Bharat Biotech. Các nguồn tin cho biết lượng vaccine này sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và dư ra khoảng 10-20 triệu liều để cung cấp cho các nước khác. Trong tháng 11, Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ có sẵn hơn 300 triệu liều vaccine và điều này sẽ giúp mở rộng sứ mệnh Vaccine Maitri.
[Khủng hoảng COVID-19 ở Ấn Độ phơi bày điểm yếu của ngoại giao vaccine]
Một nguồn tin cấp cao trong Bộ Y tế nêu rõ từ tháng 10 đến tháng 12, Ấn Độ sẽ có sẵn nguồn vaccine để cung cấp cho các quốc gia khác và cơ quan này dự kiến nhận được hơn 300 triệu liều vào tháng tới và sẽ mở rộng sáng kiến Vaccine Maitri.
Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã gửi Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya một danh sách gồm ít nhất 25 quốc gia đề nghị Ấn Độ cung cấp vaccine. Một nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ khẳng định New Delhi sẽ ưu tiên các nước láng giềng với lý do các đường biên giới với một số quốc gia lỏng lẻo và Ấn Độ sẽ an toàn nếu khu vực lân cận của nước này an toàn.
Vaccine Maitri là một sáng kiến chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Thông qua sáng kiến này, Ấn Độ đã cung cấp 66,5 triệu liều vaccine COVID-19 cho 95 quốc gia trên thế giới từ tháng 1-4/2021, trong đó bao gồm 10,7 triệu liều miễn phí, 35,8 triệu liều cung cấp qua hợp dồng thương mại và 19,8 triệu liều được trao cho sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)./.