Dưới ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành hàng không và đường sắt đã gặp nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh trong năm nay khiến lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn giãn hợp đồng.
Với người lao động, Tết này không kỳ vọng có thưởng mà mong ngóng sớm được đi làm.
Nỗ lực vượt khó
Trải qua 2 năm đầy biến động bởi đại dịch COVID-19, những ngày này, Tết lại sắp gõ cửa từng nhà trên mọi miền Tổ quốc mang đến niềm vui sum vầy, đầm ấm của tình thân. Với người lao động Vietnam Airlines, Tết cũng mang đến niềm hy vọng được trở lại những ngày "bình thường mới" để những chuyến bay xuân lại tấp nập mọi miền.
Nhân dịp Tết đến xuân về, nhằm động viên khích lệ và hỗ trợ cán bộ nhân viên trong thời điểm khó khăn này, Vietnam Airlines thực hiện chi tiền lương bổ sung, tiền lương theo mức, chi quỹ khen thưởng nhân dịp Tết Dương lịch năm 2022 đồng thời hỗ trợ tặng quà tết cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ngoài ra, mỗi người lao động được hưởng tiền lương theo mức 2 triệu đồng/người nhân dịp Tết Dương lịch năm 2022.
Bên cạnh đó, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tổng công ty gửi đến toàn thể người lao động gói quà Hương vị Tết đặc biệt với trị giá 1 triệu đồng/người (gồm combo giò xào, giò lụa, chả cốm…). Gói quà Tết sẽ sớm được chuyển đến tay người lao động trước thềm Tết Nguyên đán Nhân Dần năm 2022.
"Việc chi trả tiền lương bổ sung thu nhập cho người lao động và những món quà nhân dịp Tết là sự ghi nhận, sự quan tâm chăm lo sâu sắc của lãnh đạo Tổng công ty tới đời sống vật chất tinh thần của toàn thể người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh,” lãnh đạo Vietnam Airlines nói.
[CEO Vietnam Airlines: Năm 2022 dự báo bay nội địa chỉ phục hồi 70-75%]
Bước sang năm 2022, lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng mỗi người lao động hãy tiếp tục nỗ lực, đồng lòng cùng Tổng công ty vượt qua thách thức, khó khăn trước mắt và xây dựng hãng ngày càng lớn mạnh.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, năm nay doanh nghiệp ngành đường sắt vô cùng khó khăn, đơn vị chưa chính thức ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động.
“Tổng công ty, các đơn vị thành viên sẽ cố gắng huy động các quỹ phúc lợi để có một phần quà hỗ trợ thêm anh em sau 1 năm làm việc vất vả. Đó không hẳn là thưởng Tết mà chỉ qua đó động viên người lao động yên tâm công tác, gắn bó cùng đơn vị vượt khó, đảm bảo nhân lực phục vụ khách đi lại dịp Tết an toàn, thuận lợi,” lãnh đạo VNR chia sẻ.
Lo ngại thiếu lao động
Theo ông Lê Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp ngay từ những năm 2020 và sang năm nay đã tác động nặng nề, ảnh hưởng rõ rệt đến ngành hàng không trong nước, cũng như quốc tế.
Đặc biệt, ông Khánh đánh giá đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2021 với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, mạnh mẽ trên nhiều tỉnh thành trên cả nước đã khiến triển vọng phục hồi của ngành hàng không thế giới, khu vực và Việt Nam càng trở nên mong manh, thậm chí liên tục xuyên thủng các “đáy” của sự suy giảm. VATM cũng tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng chuyến bay nội địa hạn chế, doanh thu sụt giảm.
[Kiến nghị không tiếp tục giảm giá điều hành bay cho các hãng bay]
Để đảm bảo cân đối thu chi, quỹ tiền lương năm 2021, VATM phải tiếp tục cắt giảm 367, tỷ đồng so với thực hiện năm 2020 (chỉ đạt 64,6% so với thực hiện năm 2020 và đạt 47% so với quỹ lương thực hiện 2019). Bên cạnh các khoản như tiền thưởng, lương năng suất cho người lao động, các khoản chi mang tính phúc lợi khác tiếp tục không có nguồn chi trả, hiện nay, tiền lương giờ cho kiểm soát viên không lưu và chi ăn ca cho người lao động cũng phải tạm dừng chi trả trong sáu tháng cuối năm nay.
Ông Khánh cũng thừa nhận, mức sụt giảm thu nhập nặng nề này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và hoạt động của Tổng công ty. Do đặc thù công việc yêu cầu bố trí lực lượng lao động trực 24/24 giờ theo đúng các vị trí do nhà chức trách hàng không quy định, người lao động vẫn phải đi làm đủ ca, hoạt động tác nghiệp bình thường.
“Tuy đã cắt giảm chi phí, dồn nguồn lực để đảm bảo tiền lương cho người lao động nhưng với mức sụt giảm thu nhập lớn như vậy và khả năng vẫn phải kéo dài đến hết 2023, một vấn đề khó khăn hiện hữu trước mắt Tổng công ty phải đối mặt là việc giữ chân người lao động,” ông Khánh than thở.
Mặt khác, để một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền cần thời gian khoảng 3-5 năm (với kiểm soát viên không lưu) và khoảng 2 năm với các dịch vụ còn lại (thông tin, dẫn đường, giám sát; thông báo tin tức hàng không; khí tượng; tìm kiếm cứu nạn). Khoảng thời gian đó bao gồm thời gian huấn luyện bắt buộc để được thi cấp phép hành nghề; thời gian huấn luyện tại vị trí làm việc và phải được kèm bởi một người có thâm niên, kinh nghiệm cho đến khi có thể làm việc độc lập.
“Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không có giải pháp thì Tổng công ty sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ trong giai đoạn hiện tại và khi hoạt động bay hồi phục trở lại,” ông Khánh nói./.