Nhiều bệnh nhân COVID-19 bình phục trong vòng 1 hoặc 2 tuần sau khi mắc bệnh, nhưng cứ 5 người thì có ít nhất 1 người tiếp tục có các triệu chứng cũ hoặc xuất hiện các triệu chứng mới hơn 4 tuần kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Hội chứng COVID kéo dài đang ngày càng gây lo ngại, nhưng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng và chưa có đủ dữ liệu để xác định hội chứng sẽ kéo dài bao lâu.
Dù một số triệu chứng mất dần theo thời gian, các triệu chứng khác vẫn kéo dài hoặc xuất hiện thêm những triệu chứng mới. Có nhiều người có triệu chứng kéo dài 12 tháng hoặc hơn.
[Mối liên hệ giữa hội chứng COVID kéo dài và viêm cơ não tủy]
COVID-19 có thể gây tổn hại não, tim, phổi, tụy (gây tiểu đường) và nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tiêm vaccine có tác dụng phòng ngừa hội chứng COVID kéo dài, dù là tiêm trước hay sau lần nhiễm đầu tiên.
Nhìn chung, người mắc COVID-19 nặng có nguy cơ bị hội chứng COVID kéo dài cao hơn, nhưng cũng không ít người có hội chứng COVID kéo dài sau khi mắc bệnh nhẹ.
COVID kéo dài phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Dù virus ban đầu gây bệnh nặng hơn ở người cao tuổi, nhưng hội chứng COVID kéo dài không liên quan vấn đề này.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy hiện tượng COVID kéo dài phổ biến đến mức có thể xác định đó là một mối đe dọa lớn đối với y tế cộng đồng.
Rõ ràng COVID kéo dài không đơn giản là một sự tập hợp các triệu chứng, mà đây là một hội chứng lâm sàng với các biểu hiện bệnh lý rõ ràng./.