COVID-19: Trách nhiệm chia sẻ vaccine để thế giới vượt qua đại dịch

Nhiều nước hiện vẫn khó tiếp cận vaccine trong cuộc chiến chống COVID-19. Khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch, thế giới vẫn chưa thể an toàn.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, phân bổ vaccine không công bằng là một vấn đề phi đạo đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới diễn ra ở Berlin (Đức) trong 3 ngày 24-26/10 trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu và khi cộng đồng quốc tế đã có những công cụ hữu hiệu, trong đó vaccine được xem như tấm áo giáp chống lại virus SARS-CoV-2 và các biến thể.

Thế nhưng, nhiều quốc gia vẫn khó tiếp cận được "tấm giáp'' đó, dù sau 2 năm đại dịch bùng phát, các nước dường như đang chia sẻ một nhận thức rõ ràng là thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Câu chuyện công bằng vaccine vẫn còn là một chặng đường dài.

Chủ đề công bằng vaccine trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới 2021. Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những thành tựu về vaccine ngừa COVID-19, vốn được phát triển và đưa ra thị trường với tốc độ kỷ lục, đang bị hủy hoại bởi thảm kịch phân phối không đồng đều.

Ba phần tư số vaccine đã được chuyển đến các nước có thu nhập cao và khá. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, chủ nghĩa dân tộc vaccine và việc tích trữ vaccine đang khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Ông một lần nữa nhắc lại rằng, phân bổ vaccine không công bằng là một vấn đề phi đạo đức.

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết khoảng cách giữa những người đã được tiêm vaccine COVID-19 và những người chưa được tiêm đang ngày càng gia tăng. Trong khi một số quốc gia đã bảo vệ được cho phần lớn dân số, thì ở những quốc gia khác, mới có chưa đến 3% dân số được tiêm một mũi.

Nhóm chưa được tiêm thậm chí lại chính là các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế cộng đồng, giáo viên và nhân viên xã hội - những người mà trẻ em và các bậc cha mẹ dựa vào để có thể cậy nhờ những dịch vụ thiết yếu nhất.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ COVID-19 sẽ chỉ kết thúc khi thế giới đồng lòng chọn cách loại bỏ virus gây căn bệnh này. Ông cho rằng thế giới đã có trong tay tất cả những công cụ cần thiết, gồm công cụ y tế công và các công cụ y tế hiệu quả khác, song lại chưa tận dụng tốt những công cụ này.

Theo ông, với gần 50 nghìn ca tử vong mỗi tuần như thống kê hiện nay, đại dịch còn lâu mới kết thúc. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh rằng mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 40% dân số mỗi nước vào cuối năm nay có thể đạt được nếu các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vaccine lập tức biến lời nói thành hành động.

Ông Ghebreyesus đánh giá rào cản ở đây không phải nằm ở khâu sản xuất, mà ở ý chí chính trị và lợi nhuận. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia đã đạt mục tiêu tiêu chủng 40% cần ưu tiên cho chương trình tiêm chủng COVAX của Liên hợp quốc hoặc sáng kiến thu mua vaccine của châu Phi (AVAT).

Trước mắt, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) cần thực hiện ngay lập tức các cam kết chia sẻ vaccine, trong khi các nhà sản xuất phải ưu tiên thực hiện các hợp đồng cung cấp vaccine với COVAX và AVAT. Bên cạnh đó, các nước và các nhà sản xuất cũng cần chia sẻ bí quyết, công nghệ và cấp phép, từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới vaccine COVID-19.

[Thế giới ghi nhận hơn 245 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2]

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định đoàn kết là yếu tố then chốt để vượt qua đại dịch hiện nay, trong đó phân bổ công bằng vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả. Ông kêu gọi nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước phát triển và đang phát triển, loại bỏ những trở ngại trong việc triển khai toàn cầu các loại vaccine và thuốc điều trị.

Với vai trò là một trong các nhà bảo trợ của Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh mọi người dân trên toàn cầu cần được tiếp cận với vaccine và đây là con đường duy nhất để vượt qua đại dịch, trong đó sáng kiến phân bổ vaccine COVAX của Liên hợp quốc là quan trọng nhất và thế giới sẽ chỉ có thể đạt được thành công bền vững thông qua hành động đa phương và đoàn kết quốc tế.

Quan điểm này cũng đã được Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi cuối tháng Chín vừa qua.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Moskva (Nga). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ để sớm đẩy lùi đại dịch, thế giới cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.

Tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng đang là giải pháp được nhiều nước thúc đẩy trong quá trình thích ứng với cuộc sống thời đại dịch. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể đảm bảo vaccine được phân phối một cách công bằng và hợp lý cho các nhóm dân cư khác nhau; làm thế nào để mọi người có thể nhận được vaccine càng nhanh càng tốt, bất kể nguồn lực và nguồn gốc của họ.

Chuyên gia Yvonne Commodore-Mensah thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) cho rằng do có sự bất bình đẳng về nguồn lực kinh tế, nên có sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với vaccine. Trong khi đó, câu chuyện xung quanh việc có hay không từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các vaccine COVID-19 cũng được đặt ra từ lâu, song vẫn chưa thể được giải quyết thấu đáo.

Đa số ủng hộ việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, song phần còn lại vẫn phản đối, cho rằng quy trình sản xuất vaccine quá phức tạp và tinh vi để một nước có thể bắt tay vào sản xuất khi nền tảng cơ sở vật chất, công nghệ chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lo ngại việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine sẽ ảnh hưởng tới sức sáng tạo và khả năng đổi mới của các nhà sản xuất.

Khi những vấn đề này còn gây tranh cãi thì mỗi ngày, hàng nghìn người đã ra đi do mắc COVID-19 mà chưa được tiêm vaccine. Vaccine COVID-19 với họ chỉ là khái niệm mơ hồ.

Theo dữ liệu của tổ chức "Our World in Data," tính đến ngày 27/10, toàn thế giới đã tiêm được hơn 6,8 tỷ liều vaccine, 48,7% dân số toàn cầu đã được nhận ít nhất 1 liều vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước trong từng châu lục.

Trong khi những nước giàu đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí nhiều nước phương Tây đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn còn rất thấp. Chỉ có 3,1% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm 1 liều vaccine, đặc biệt ở lục địa châu Phi, có nơi chỉ đạt trên dưới 1%. Thực tế này cho thấy thế giới còn lâu mới thoát khỏi đại dịch.

Các chuyên gia nhận định chủ nghĩa dân tộc vaccine sẽ chỉ giúp virus lây lan rộng hơn. Đặc biệt, với sự xuất hiện của những biến thể nguy hiểm như Delta hay các biến thể phụ kiểu "Delta plus," mà mới nhất là biến thể AY.4.2, được cho có khả năng lây nhiễm cao hơn 15% so với chủng Delta thông thường, thì khi càng nhiều người không được tiêm chủng, nguy cơ đối với cộng đồng sẽ càng lớn và nghiêm trọng hơn. Một thực tế rõ ràng là thế giới đã trải qua nhiều làn sóng đại dịch đi kèm những biến thể mới.

Một điều khá nghịch lý là trong khi nhiều nước đang trông chờ từng liều vaccine thì kho dự trữ vaccine của nhiều nước lại càng phình to. Một số quốc gia mua quá nhiều và thậm chí để vaccine hết hạn sử dụng, trong khi những quốc gia khác không có vaccine để bảo vệ các nhóm nguy cơ cao và tất cả các nhân viên y tế.

Theo tổ chức Bác sỹ không biên giới, một phần đáng kể vaccine dư thừa sẽ hết hạn trong vài tháng. Từ nay tới cuối năm, riêng Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) có thể lãng phí 241 triệu liều vaccine.

Xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Lan Châu, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia của WHO về COVID-19, đánh giá hành động tích trữ quá nhiều và để lãng phí vaccine "cũng dẫn đến cái chết của nhiều người," đồng thời cho rằng hành động này "không chỉ bất công và vô đạo đức mà còn đang làm đại dịch kéo dài.”

Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới lần đầu tiên được tổ chức năm 2009 ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trong bóng tối của đại dịch cúm A/H1N1. Tròn 12 năm sau, hội nghị tại Berlin diễn ra trong bối cảnh của một đại dịch nguy hiểm hơn rất nhiều.

Thông điệp phát đi từ Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới năm 2021 nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia xuất hiện trên bản đồ thế giới đều là thành viên dưới mái nhà chung Liên hợp quốc, và các sáng kiến phân bổ công bằng vaccine, như COVAX, cần phải được chia sẻ, bởi đó không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là tự bảo vệ chính mình.

Sẽ còn một khoảng thời gian dài trước khi tất cả mọi người ở tất cả quốc gia có cơ hội được tiêm chủng và COVAX là cơ chế cần thiết và quan trọng để dẫn dắt quá trình này. Như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế "chuyển từ báo động sang hành động," thể hiện "trách nhiệm đạo đức'' trong việc chia sẻ vaccine nếu muốn vượt qua đại dịch nguy hiểm COVID-19./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục