Theo phóng viên TTXVN tại Australia, đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm đáng kể đến các kinh tế về đêm tại thành phố Sydney của Australia, với các cửa hàng bán lẻ lớn phải đóng cửa sớm hơn thường lệ do ngày càng có ít người mua vào buổi tối.
Sau khi đại dịch COVID-19 về cơ bản được khống chế ở bang New South Wales kể từ tháng 6/2020, hầu hết các trung tâm mua sắm của Sydney đã hoạt động trở lại, nhưng các cửa hàng vẫn đóng cửa sớm từ 5 giờ chiều hàng ngày. Chỉ một số thương hiệu lớn tiếp tục mở cửa muộn hơn, nhưng cũng chỉ đến 7 hay 8 giờ tối, thay vì 9 giờ tối như thường lệ.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Australia Paul Zahra cho biết số lượng người đi bộ ở khu trung tâm Sydney đã giảm hơn một nửa kể từ đầu năm. Các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 khiến người dân phải làm việc ở nhà, đi mua sắm hoặc ăn uống gần nhà, do đó ảnh hưởng lớn đến hoạt đông thương mại và giải trí vào ban đêm tại những khu vực vốn rất đông vui và sầm uất.
Việc đóng cửa các địa điểm văn hóa, hạn chế số lượng khách đến quán rượu, câu lạc bộ và nhà hàng cũng làm giảm sự hấp dẫn vào ban đêm của khu trung tâm thành phố. Ông Zahra cho rằng khu trung tâm mua sắm của Sydney sẽ tiếp tục vắng vẻ khi những lo ngại về sức khỏe vẫn còn và người mua chuyển sang thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Sydney Clover Moore cho biết các biện pháp giãn cách xã hội là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, nhưng lại gây ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp.
Theo Ủy viên Hội đồng thành phố Linda Scott, trước khi đại dịch bùng phát, nền kinh tế ban đêm ở Sydney tạo ra hơn 32.000 việc làm và doanh thu 3,5 tỷ AUD (2,4 tỷ USD) mỗi năm. Bà Scott bày tỏ hy vọng, khi dịch bệnh COVID-19 lắng dịu, nền kinh tế ban đêm của thành phố sẽ phục hồi với các biện pháp giãn cách xã hội nhằm giữ an toàn sức khỏe cho người dân.
Trái với Sydney, tình hình dịch bệnh COVID-19 lại diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại bang Victoria với thủ phủ là trung tâm kinh tế Melbourne. Hiện thành phố này đã ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng 6 tuần do số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng nhanh.
Theo quy định tại cấp độ mới, toàn bộ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, bao gồm cả trường học và nhiều ngành dịch vụ, bán lẻ, sản xuất, xây dựng, công nghệ, giải trí... đều buộc phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng phải thu hẹp quy mô và cắt giảm thời gian.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp chỉ được thông báo về lệnh phong tỏa 48 giờ trước khi có hiệu lực, tạo ra làn sóng hoảng loạn và khẩn trương ở hầu khắp các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn bang Victoria. Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp Victoria Paul Guerra cho rằng nhiều doanh nghiệp đã bị bất ngờ và không kịp xoay sở trước lệnh phong tỏa mới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tái phong tỏa trở lại từ đầu tháng 7/2020 đã khiến nền kinh tế của bang Victoria gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù việc tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh là điều hoàn toàn cần thiết, song hàng nghìn doanh nghiệp tại bang Victoria sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của khoảng 250.000 lao động.
Hơn nữa, chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm trên toàn quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hội đồng Thực phẩm và Tạp hóa Australia (đại diện cho các tập đoàn lớn như Unilever, Kellogg's, Mondelez, Pepsico, Kimberly Clark, Coca-Cola và Lion) cho biết các nhà sản xuất có thể phải cắt giảm sản lượng do thiếu hụt đến 1/3 lực lượng lao động tại các trung tâm phân phối và sản xuất trên địa bàn bang Victoria, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trên cả nước.
Thủ tướng Australia Scott Morrison từng thừa nhận nền kinh tế nước này có khả năng thiệt hại từ 10-12 tỷ AUD (tương đương 7,1-8,52 tỷ USD) do tác động từ các lệnh phong tỏa tại bang Victoria. Đây được coi là một đòn đánh nặng nề đối với nền kinh tế "xứ sở Chuột túi".
Ông Morrison nói khoảng 80% thiệt hại xuất phát trực tiếp từ các lệnh phong tỏa tại bang Victoria, trong khi phần còn lại do tác động trên toàn quốc từ việc sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và giới đầu tư, cùng với đó là những sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg nhấn mạnh do hiện trạng "khóa máy" tại bang Victoria, tỷ lệ thất nghiệp của "xứ Chuột túi" có khả năng chạm ngưỡng từ 10-13% vào tháng 12 tới, trong đó số người không có việc làm hoặc bị cắt giảm 100% giờ làm tăng thêm khoảng từ 50.000 đến 400.000 người so với dự tính trước đó.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Philip Lowes nhận định, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia dự kiến sẽ giảm 6% trong năm 2020. Tuy tỷ lệ thất nghiệp tăng song mục tiêu lạm phát sẽ vẫn được duy trì trong mức từ 2-3%.
Thống đốc Lowes cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe và nền kinh tế, các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ sẽ buộc phải duy trì trong một khoảng thời gian chưa xác định./.