Đại dịch COVID-19 đã tác động đến toàn cầu hóa kinh tế như thế nào? Các lực lượng sản xuất thế giới trong nửa thế kỷ vừa qua đã thay đổi đáng kể ra sao?
Theo chuyên gia John Edwards của Viện Chính sách Công John Curtin thuộc Đại học Curtin, minh chứng rõ nét nhất để trả lời cho hai câu hỏi trên có thể tìm thấy trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa y tế và thương mại dược phẩm toàn cầu.
Trong bài viết đăng trên trang The Interpreter của Viện Lowy, Australia, tác giả phân tích báo cáo của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS). Báo cáo cho thấy dịch COVID-19 bùng phát đã khiến người ta chú ý hơn đến những khía cạnh thương mại mà thị trường Mỹ đang phụ thuộc vào hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc.
Tháng trước, Cố vấn thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro, tiết lộ rằng ông đang chuẩn bị đưa ra một sắc lệnh hành pháp để khuyến khích chuyển các chuỗi cung ứng y tế từ nước ngoài về Mỹ. Nhật Bản đã công bố một kế hoạch tương tự và Bộ trưởng Công nghiệp Australia Karren Andrews cũng thông báo sẽ xem xét lại sự phụ thuộc của Australia vào hoạt động nhập khẩu các sản phẩm y tế.
Thực tế là các nền kinh tế tiên tiến đóng vai trò chi phối và vận hành hoạt động thương mại các sản phẩm y tế toàn cầu. Mỹ là một trong những quốc gia xuất khẩu thiết bị y tế và dược phẩm lớn nhất thế giới.
Theo Cục điều tra dân số Mỹ, xuất khẩu của hai loại hàng hóa, dược phẩm và thiết bị y tế, đạt tổng cộng gần 100 tỷ USD vào năm ngoái, đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm y tế lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Đức.
Theo số liệu gần đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sáu quốc gia xuất khẩu sản phẩm y tế hàng đầu thế giới bao gồm Đức, Mỹ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ và Ireland. Đức và Mỹ không chỉ là các nhà xuất khẩu top đầu mà còn là hai nhà nhập khẩu thiết bị y tế và dược phẩm lớn nhất thế giới. Các nhà cung cấp chính của cả hai nước này lại chính là các nền dân chủ phương Tây khác.
Cũng theo thống kê của WTO, tất cả các sản phẩm y tế xuất khẩu của Trung Quốc, vào năm ngoái, chỉ đứng thứ 20 trong số các nhà xuất khẩu y tế thế giới, bằng 1/7 so với Đức và 1/8 so với Mỹ.
Các chính sách gây tổn hại đến hoạt động thương mại các sản phẩm y tế nhìn chung tạo ra tác động tiêu cực cho Mỹ và các nước đồng minh phương Tây hơn là Trung Quốc.
Số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ về thương mại dược phẩm và thiết bị y tế chỉ ra rằng Mỹ bán cho Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc bán cho Mỹ. Khi xem xét danh mục rộng lớn hơn của WTO, có thể thấy đã xuất hiện sự mất cân bằng trong “sản phẩm y tế” có lợi cho Trung Quốc.
Trong khi Mỹ chiếm gần 1/5 nhập khẩu các sản phẩm y tế của Trung Quốc, thì Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 1/10 sản phẩm y tế nhập khẩu vào Mỹ. Các sản phẩm y tế mà Mỹ nhập khẩu từ Ireland, Thụy Sỹ và Đức có giá trị cao gấp gần 5 lần số lượng nước này nhập khẩu từ Trung Quốc.
[Yếu tố giúp kinh tế Trung Quốc chống chịu môi trường lạm phát cao]
Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ là nhà cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế cho Mỹ và phần còn lại của thế giới trong một vài lĩnh vực nhất định. Các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đang bị thiếu hụt ở Mỹ (và một số quốc gia khác), nhưng Trung Quốc lại không phải là nhà xuất khẩu quan trọng của mặt hàng này. Số liệu thống kê của CRS cho thấy khối lượng nhập khẩu các bộ xét nghiệm virus từ Trung Quốc vào Mỹ trong năm ngoái là rất ít.
Tương tự, các loại mặt nạ chuyên dụng (mặt nạ phòng độc và lọc không khí dùng trong y tế) là một mặt hàng thiết yếu khác dùng trong công tác điều trị dịch COVID-19, nhưng Trung Quốc cũng không phải là nhà xuất khẩu lớn của Mỹ liên quan tới loại hàng hóa này.
Theo CRS, lượng mặt nạ chuyên dụng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chiếm chưa tới 17%, ít hơn nhiều so với Singapore.
Trung Quốc chủ yếu sản xuất một số hoạt chất dược phẩm quan trọng được các nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ sử dụng làm nguyên liệu. Nhưng mặt hàng y tế xuất khẩu quan trọng nhất của nước này vào Mỹ là khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Số liệu của CRS cho thấy Trung Quốc chiếm 72% kim ngạch nhập khẩu khẩu trang vải của Mỹ, 77% lượng găng tay bảo hộ nhập khẩu và gần một nửa lượng quần áo bảo hộ nhập khẩu.
Mặc dù Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu khẩu trang trong tháng Một năm nay, khi nhu cầu trong nước tăng cao, nhưng quốc gia này đã tiếp tục xuất khẩu trở lại vào tháng Hai.
Kể từ tháng Ba, theo Hải quan Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuất khẩu 26,7 triệu khẩu trang N-95/KN-95, 504,8 triệu khẩu trang y tế, 195,9 triệu găng tay, 17,3 triệu áo choàng phẫu thuật, 873.000 kính bảo hộ, 3.253 máy thở không xâm nhập và 112 máy thở xâm nhập.
Trung Quốc dường như không liên quan tới tình trạng thiếu hụt hàng hóa y tế đang diễn ra ở nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong thông cáo báo chí ngày 27/2 đề cập đến các vấn đề trong nguồn cung y tế, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn nói rằng không có công ty Mỹ nào nhập khẩu thuốc hoặc thành phần dược hoạt tính từ Trung Quốc báo cáo về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Các loại thuốc được nêu ra cũng không nằm trong danh sách “cấp thiết” trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
FDA đã liên hệ với các nhà máy sản xuất thiết bị y tế “thiết yếu” của Mỹ tại Trung Quốc và ông Hahn cho biết, “hiện không có bất kỳ báo cáo nào về tình trạng thiếu hụt” các thiết bị y tế này.
Đối với mặt hàng khẩu trang, áo choàng phẫu thuật, găng tay hoặc các loại PPE khác, ông Hahn khẳng định “không ghi nhận tình trạng thiếu hụt trên diện rộng."
Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì về toàn cầu hóa và các sản phẩm y tế từ đại dịch? Theo tác giả, việc sản xuất các sản phẩm y tế như bình thường sẽ không bao giờ đủ để đáp ứng nhu cầu bất thường của đại dịch, cho dù sản xuất ở trong nước hay tại nước ngoài.
Sản phẩm khẩu trang y tế là một trường hợp điển hình. Bất chấp việc Trung Quốc là nhà cung cấp một nửa lượng khẩu trang cho toàn thế giới vào năm ngoái, sản lượng của nước này vẫn không đủ để đáp ứng quy mô dân số khổng lồ của chính Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch liên tục bùng phát.
Vào giữa cao điểm của đại dịch, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc đã sử dụng tới 240 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày, nhiều hơn 10 lần so với năng lực sản xuất.
Trung Quốc đã cắt giảm xuất khẩu, nhập khẩu thêm khẩu trang và tăng sản xuất trong nước từ mức 20 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày lên tới gần 116 triệu khẩu trang mỗi ngày vào cuối tháng Hai. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Ấn Độ cũng hạn chế lượng khẩu trang xuất khẩu vì những lý do tương tự.
Đại dịch đã cho chúng ta một bài học về việc không một quốc gia nào có thể dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của mình, khi mà mọi quốc gia trên thế giới đều muốn có những sản phẩm giống nhau, với một số lượng lớn đột biến.
Vào nhiều thời điểm khác nhau, ở các mức độ khác nhau, trong thời gian đại dịch bùng phát, 60 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu các sản phẩm y tế ra nước ngoài.
Nhưng một bài học khác nữa cũng cần phải lưu ý là các quốc gia sẽ không thể thường xuyên sản xuất một khối lượng lớn thiết bị y tế và dược phẩm cần thiết, trong phạm vi biên giới của mình, dành cho một đại dịch.
Bỗng chốc tăng sản xuất hàng hóa nhiều gấp 20 lần sản lượng hàng năm không phải là khả năng thực tế đối với bất kỳ quốc gia nào. Thay vào đó, mỗi quốc gia cần rút kinh nghiệm đảm bảo dự phòng đủ nguồn cung thiết yếu.
Ở Mỹ, và cả các quốc gia khác, mức dự trữ là không đủ. Đầu năm nay, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ báo cáo rằng lượng khẩu trang dự trữ của Mỹ chiếm chưa tới 1% nhu cầu cần thiết cho một trận dịch bệnh kéo dài cả năm. Dự trữ khẩu trang của Trung Quốc rõ ràng cũng không có đủ.
Kết thúc bài viết, tác giả chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt các sản phẩm y tế không phải là nguyên nhân dẫn đến mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Lombardy (Italy) hay New York (Mỹ).
Điều quan trọng là các quốc gia cần tăng cường xét nghiệm virus gây dịch COVID-19 và do đó sẽ cần nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm hơn. Cần hành động sớm để giảm nguy cơ lây lan, bao gồm cả các biện pháp như tăng cường hạn chế, giãn cách xã hội và cấm đi lại./.