Du lịch và hàng không - thế mạnh của nền kinh tế Pháp - đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Pháp lên tới mức tương đương 2,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1982.
Trên thực tế, đây là nhu cầu thu hút tài chính từ nước ngoài để tài trợ cho hoạt động kinh tế của đất nước vào năm 2020.
Theo nhà kinh tế Xavier Timbeau, "sự suy giảm vị thế đối ngoại của Pháp được giải thích bởi việc hai lĩnh vực chính - du lịch và hàng không - phải chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19."
[Pháp: Ngân hàng trung ương dự báo kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến]
Trên thực tế, COVID-19 "tấn công" trực diện vào mô hình kinh tế của Pháp. Năm ngoái, ngành công nghiệp hàng không Pháp đã xuất khẩu gần 65 tỷ euro (hơn 79 tỷ USD) hàng hóa, cho phép tạo ra thặng dư thương mại hơn 30 tỷ euro.
Đến tháng 10/2020, xuất khẩu của ngành này giảm xuống chỉ còn 40 tỷ euro và thặng dư thu hẹp xuống còn 19 tỷ euro.
Tương tự, doanh thu từ du lịch đạt 57 tỷ euro vào năm ngoái. Con số này đã giảm xuống còn 22 tỷ euro trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020. Các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, đầu tư trực tiếp nước ngoài cạn kiệt trong khi toàn cầu hóa tạm thời mất đi sức mạnh.
Câu hỏi đặt ra là liệu những mất mát về thị phần này có thể bị xóa bỏ trong những năm tới hay không. Đây không phải là điều mà các nhà kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Pháp tin tưởng. Đối với họ, kim ngạch xuất khẩu, vốn thấp hơn khoảng 3% so với nhập khẩu từ vài năm nay, sẽ chỉ chiếm từ 90% đến 92% kim ngạch nhập khẩu từ năm 2020 đến năm 2023. Trong khi đó, cả hai ngành du lịch và hàng không sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian dài bởi đại dịch.
Kế hoạch khôi phục nền kinh tế của Pháp hướng đến nhu cầu cấp thiết phát triển các ngành mũi nhọn mới vì công nghiệp hàng không sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi./.