COVID-19: Sử dụng an toàn, hiệu quả các phương tiện phòng hộ cá nhân

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng cần sử dụng bộ đồ bảo hộ đúng lúc, đúng chỗ, tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.
COVID-19: Sử dụng an toàn, hiệu quả các phương tiện phòng hộ cá nhân ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Việt Nam có 369.267 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tính đến ngày 24/8, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 9.014 ca, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (184.872 ca), Bình Dương (77.053 ca), Đồng Nai (19.110 ca), Long An (18.586 ca), Tiền Giang (7.836 ca).

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, nhiều người dân lo lắng và đã tự trang bị cho mình những bộ đồ phòng hộ cá nhân, thậm chí trong các hoạt động xã hội, nhiều người cũng sử dụng bộ đồ này.

[Bộ Y tế yêu cầu tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân]

Khẳng định “đây là việc làm không cần thiết, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường,” Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng “cần sử dụng bộ đồ bảo hộ đúng lúc, đúng chỗ.”

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết việc người dân sử dụng bộ đồ bảo hộ này không đúng lúc, đúng chỗ là hoàn toàn không nên. “Đối với đồ bảo hộ, chúng ta phải dùng hết sức tiết kiệm và đúng mục đích cũng như hướng dẫn chuyên môn để bảo vệ được nhân viên y tế và tiết kiệm được trang phục."

“Đối với người mắc COVID-19 hoặc người dân thì không nhất thiết phải mặc bảo hộ mà chỉ cần đeo khẩu trang y tế là được,” ông Khoa cho biết.

Trước ý kiến cho rằng, đội ngũ tiếp lương thực cho những người mắc COVID-19 đang cách ly điều trị tại nhà cũng cần trang bị bộ đồ bảo hộ y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Ở đây chúng tôi lưu ý có hai tình huống. Đó là, nếu người tiếp lương thực không tiếp xúc gần với bệnh nhân thì có thể chỉ cần sử dụng khẩu trang che mặt. Nhưng nếu đã có tiếp xúc gần với khoảng cách dưới 2m thì buộc người tiếp lương thực phải có bộ đồ bảo hộ với đủ phương tiện theo dạng phân cấp bảo hộ cấp ba, tức là có mũ mạng che mặt, khẩu trang y tế, áo choàng kín đầu, bốt, giày và găng tay.”

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng lưu ý: “Chúng ta dùng phải hết sức hạn chế, tiết kiệm, đúng chỉ định, hướng dẫn và chỉ mặc khi cần thiết, không nên ai cũng mặc đồ bảo hộ.”

Trước đó, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong bối cảnh dịch phức tạp và sử dụng hiệu quả phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch COVID-19, ngày 19/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế ngành; các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, về việc tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch COVID- 9 đang diễn biết hết sức phức tạp. Số ca nhiễm tại cộng đồng đang tăng cao có thể dẫn đến quá tải và thiếu phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay và sử dụng hiệu quả phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị lãnh đạo các đơn vị cung cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho nhân viên y tế phù hợp với công việc và vị trí làm việc.

Cùng với sử dụng và thải bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng quy trình, đúng thời điểm, tuyệt đối không mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi ăn uống, ngủ, nghỉ.

Các đơn vị đôn đốc, giám sát người bệnh sử dụng khẩu trang y tế và thực hiện các biện pháp 5K; không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho người bệnh khi nằm viện, chuyển khoa, chuyển viện và ra viện.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ nhân viên y tế tuân thủ đúng quy trình sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục