COVID-19: Phụ huynh trường tư căng thẳng 'xoay' tiền học phí cho con

Học phí trường tư với mức từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi học kỳ đang trở thành gánh nặng cho phụ huynh trước thềm năm học mới, khi dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến túi tiền của mọi gia đình.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và dai dẳng đã tác động đến túi tiền của mọi người dân, khiến cho vấn đề học phí trở thành gánh nặng tài chính với không ít gia đình trước thềm năm học mới, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập, nơi có học phí lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi học kỳ.

Đau đầu vì học phí

Có con học tại một trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội với mức phí khoảng 10 triệu đồng/tháng, anh P.Q.H. ở quận Hoàng Mai cho hay đang phải xoay sở để có thể đóng học phí cho con khi năm học mới đã cận kề.

“Trước đây, khi chưa có dịch, công việc làm ăn thuận lợi, học phí của con chưa khi nào là vấn đề tôi phải đau đầu. Từ năm ngoái, dịch bệnh khiến những người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch như tôi gặp vô vàn khó khăn. Tôi cũng tính chuyển con về trường công nhưng lại tiếc công sức đã đầu tư cho con những năm qua,” anh H. phân trần.

Anh H. chỉ là một trong số rất nhiều những phụ huynh trường tư đang phải lo lắng để có khoản tiền khá lớn đóng học phí cho con những ngày này. Hiểu được khó khăn của các phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 so với năm học 2020-2021 nhằm san sẻ gánh nặng tài chính với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế.

Thực hiện đề nghị này, rất nhiều trường ngoài công lập đã giữ nguyên mức học phí như năm học 2020-2021 thay vì tăng học phí theo lộ trình đã công bố trước đó.

Hệ Phổ thông FPT trên toàn quốc cho biết sẽ tạm thu học phí đầu năm học 2021-2022 theo mức học phí của năm học trước trong khi chờ xây dựng mức học phí chính thức, dù theo cam kết với phụ huynh, trường sẽ tăng học phí không quá 10% mỗi năm. Việc xây dựng học phí chính thức sẽ được thực hiện khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định về cơ chế thu, quản lý học phí và các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các năm học từ 2021-2022 đến 2025-2026. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cam kết khung học phí của trường được ban hành tới đây theo Nghị định mới sẽ không cao hơn mức đã thông báo trước đó cho người học.

Tương tự, Hệ thống trường phổ thông liên cấp Newton, Hệ thống Giáo dục Alpha school, Hệ thống Giáo dục thực nghiệm Victory tại Hà Nội cũng cho biết không tăng học phí so với năm học cũ.

Học sinh phải học online vì dịch bệnh.(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong khi đó, các phụ huynh trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) đang nóng lòng chờ đợi trường công bố học phí năm học mới. Các phụ huynh cho hay, theo lộ trình, trường tăng học phí ba năm một lần. “Năm ngoái, trường đã thông báo năm nay sẽ tăng học phí với mức khoảng 20%. Nếu vẫn làm theo thông báo cũ, trường không sai nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các phụ huynh cũng gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, chúng tôi mong nhà trường sẽ giữ nguyên mức học phí,” anh Q.T., một phụ huynh của trường chia sẻ.

Xin bảo lưu cho con

Việc tăng học phí ở các trường tư với mức học phí vài chục triệu mỗi kỳ đã là gánh nặng với phụ huynh thì ở các trường quốc tế, nơi học phí hàng trăm triệu mỗi kỳ, vấn đề học phí lại càng căng thẳng.

Những ngày này, nhiều phụ huynh của Trường quốc tế Anh Việt (BVIS) đang phải đau đầu lo tiền học cho con. Mức học phí thấp nhất của trường là hơn 200 triệu đồng/năm với bậc mầm non, gần 400 triệu đồng với bậc tiểu học và từ trên 450 triệu đến trên 519 triệu/năm với bậc trung học.

Đặc biệt trong, trong năm học 2021-2022 tới, trường công bố tiếp tục tăng học phí ở mức 5% với bậc mầm non và tiểu học, 6% với bậc trung học, dù việc học sinh sẽ tiếp tục phải học online là khó tránh khỏi.

[Bình Dương: Dịch COVID-19 phức tạp, học sinh học trực tuyến 2 tháng]

Không đồng tình với chủ trương này, các phụ huynh đã có văn bản đề nghị trường không tăng học phí để chia sẻ với phụ huynh khó khăn tài chính trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, theo các phụ huynh, việc triển khai dạy trực tuyến toàn bộ thời gian (từ 9h sáng đến 15h chiều hàng ngày) không đảm bảo cả về thời lượng và chất lượng giáo dục so với dạy học trực tiếp.

Theo các phụ huynh, việc học online này đã kéo dài từ năm học 2019-20, sang đến hơn nửa thời gian của năm học 2020-21 và sẽ tiếp tục từ khai giảng của năm học mới 2021-22 chưa biết đến khi nào, vì thế, việc thu học phí như mức học trực tiếp, cũng là điều không hợp lý. Chưa kể, việc học trực tuyến đã khiến các học sinh mất đi cơ hội hoạt động thể chất, sinh hoạt giao tiếp... là những ưu điểm nổi bật để phụ huynh chọn trường quốc tế cho con em mình. 

Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp nhận.  Trả thư lời các phụ huynh của Văn phòng Hiệu trưởng Trường BVIS cho hay phần lớn học phí được dùng để trả lương và phúc lợi cho giáo viên và “để đảm bảo nhà trường có thể nhanh chóng trở lại bình thường ngay sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh đóng cửa, chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng giáo viên và nhân viên vận hành của trường sẽ được giữ lại và làm việc toàn thời gian với mức lương đầy đủ.”

“Thư trả lời cho thấy trường đã giữ nguyên lợi ích, không có sự sẻ chia với phụ huynh trong bối cảnh cả nước đều khó khăn vì dịch bệnh. Rất nhiều phụ huynh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 trong suốt gần hai năm qua. Trong khi đó, việc học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng bằng học trực tiếp và vì thế, hầu hết các trường ngoài công lập đều chỉ thu học phí trực tuyến bằng 70-75% học trực tiếp, thậm chí thấp hơn, trong khi BVIS không hề giảm. Các hoạt động ngoại khóa, thể thao, đào tạo kỹ năng… vốn là điểm sáng thu hút phụ huynh của trường khó được triển khai vì dịch bệnh. Chưa kể, việc học online đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các học sinh, đã có những trường hợp các em rơi vào tình trạng trầm cảm...” một phụ huynh cho hay.

Không đồng thuận với quan điểm của trường về học phí và gặp khó khăn tài chính, một số phụ huynh của trường đã làm đơn xin bảo lưu cho con ngay trước thềm năm học mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục