Ủy Ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) ngày 10/5 đã ước tính việc các nước châu Phi áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đang khiến châu lục này mất 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi tháng, tương đương 65,7 tỷ USD.
Phóng viên TTXVN thường trú tại châu Phi dẫn báo cáo "COVID-19: Chiến lược dỡ bỏ phong tỏa tại châu Phi" của ECA công bố cùng ngày cho biết con số này chưa bao gồm thiệt hại từ tình trạng giá hàng hóa xuống thấp và sự gián đoạn của các dòng vốn đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 42/54 quốc gia châu Phi đang áp dụng lệnh phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau.
Trong báo cáo, ECA đưa ra 7 đề xuất giúp các nước châu Phi từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm dần khôi phục các hoạt động kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo ứng phó hiệu quả sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo ECA, đây là những đề xuất được chắt lọc từ kinh nghiệm của các nước và khu vực trên thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19 thời gian qua.
Những đề xuất này gồm nâng cao chất lượng xét nghiệm COVID-19, duy trì phong tỏa ở mức độ hợp lý cho đến khi có vắcxin và thuốc đặc trị, tăng cường truy vết người tiếp xúc với ca nhiễm COVID-19 đồng thời mở rộng diện xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận không mắc COVID-19, từng bước mở lại những lĩnh vực kinh tế thiết yếu và duy trì giãn cách xã hội.
[Nigeria: Thị trưởng Lagos cảnh báo nguy cơ tái áp đặt lệnh phong tỏa]
Đối với đề xuất từng bước mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế thiết yếu, ECA nhấn mạnh đây là một trong những vấn đề cần ưu tiên đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều nước châu Phi vốn gặp rất nhiều khó khăn trước thời điểm xảy ra đại dịch.
Bên cạnh đó, cơ quan Liên hợp quốc cũng cho rằng, với những nước áp dụng phong tỏa song chưa đạt hiệu quả đẩy lùi dịch COVID-19, việc mở lại hoạt động kinh tế là thực sự cần thiết để tái tạo và duy trì nguồn lực cho một cuộc chiến chống dịch dài hơi.
Trong một diễn biến liên quan, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Phi (ACDC) thông báo, tính đến ngày 10/5, châu lục 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận 61.165 ca mắc virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.239 trường hợp tử vong.
Hôm 7/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người tử vong do COVID-19 tại châu Phi trong năm đầu tiên của đại dịch có thể lên tới 190.000 người nếu những biện pháp ngăn chặn không có tác dụng.
Ngoài ra, trong cùng thời gian này, khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại đây sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mặc dù tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại châu Phi chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song các chuyên gia WHO đã liên tục cảnh báo rằng châu Phi rất dễ bị "tổn thương" nếu đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây, do hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém tại đây, cũng như tỷ lệ nghèo đói cao, giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra ở nhiều khu vực./.