Hoạt động xét nghiệm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 ở Mỹ đang được tiến hành một cách chậm chạp. Tính đến tuần trước, mới có chưa đầy 2.000 người ở Mỹ được xét nghiệm. Trong khi đó, Hàn Quốc đã xét nghiệm được cho gần 190.000 người.
Việc sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm ở Mỹ cũng đang được tăng cường, với số lượng đang ngày càng tăng lên, nhưng vẫn chưa đủ để xét nghiệm cho tất cả những người Mỹ có thể đã phơi nhiễm.
Một tin không vui trong tuần này là một thành phần chính trong các xét nghiệm ở Mỹ hiện không có sẵn. Và một số bộ dụng cụ xét nghiệm ở California thậm chí còn chưa hoàn thiện.
[Tổng thống Trump cam kết cải tổ phương thức xét nghiệm SARS-CoV-2]
Để tìm hiểu về nhu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cũng như hiệu quả của hệ thống y tế Myx so với các quốc gia phát triển khác, phóng viên Marco Werman của tờ The World đã có cuộc phỏng vấn với tiến sỹ Michael Mina, giảng viên dịch tễ học của Trường Y tế Công cộng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard.
- Michael, chúng tôi muốn phỏng vấn ông về hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Câu hỏi đầu tiên: ông đã được xét nghiệm chưa?
Tiến sỹ Michael Mina: Tôi chưa được xét nghiệm.
- Tại sao vậy? Có phải là vì hoạt động này chưa phổ biến, hay vì ông nghĩ mình không phải là đối tượng ưu tiên?
Tiến sỹ Michael Mina: Cả hai. Tôi không phải là đối tượng ưu tiên. Tôi rất muốn rằng chúng ta không phải đặt nặng vấn đề ưu tiên ai đó. Nhưng hiện tại, cơ sở vật chất cho xét nghiệm trên cả nước thực sự đang thiếu hụt, và điều đó khiến chúng tôi phải phân loại và ưu tiên cho những trường hợp khẩn cấp nhất.
- Vâng. Vậy đâu là những trường hợp khẩn cấp nhất? Những ai thực sự cần được xét nghiệm?
Tiến sỹ Michael Mina: Ưu tiên ngay lúc này dành cho những bệnh nhân nội trú, những người đang điều trị trong bệnh viện và có nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe xung quanh. Chúng tôi cần biết về bất kỳ ai ở trong đó đã bị nhiễm và có thể làm lây lan virus.
- Vậy thì, những kết quả xét nghiệm của một người là một điểm dữ liệu. Đối với người Mỹ, giá trị của việc được xét nghiệm là gì?
Tiến sỹ Michael Mina: Nếu chúng ta có thể đi đến một vũ trụ song song, xét nghiệm cho thật nhiều người và sàng lọc dân số - điều đó thực ra lại khiến mọi người tự tạo ra khoảng cách xã hội với nhau.
Tức là nếu họ biết mình bị nhiễm bệnh, họ sẽ hiểu rằng họ không muốn những người thân yêu hay bạn bè của mình bị lây bệnh. Và một cách tự nhiên, họ sẽ tách mình khỏi cộng đồng. Đây là cách tiếp cận mà Hàn Quốc áp dụng, và tôi nghĩ nó có hiệu quả rất tốt.
- Vậy năng lực xét nghiệm tại Mỹ hiện tại là như thế nào? Chúng ta đang ở mức nào? Chúng tôi đang có rất nhiều thông tin khác nhau.
Tiến sỹ Michael Mina: Không may là mới chỉ có dưới 10.000 xét nghiệm là có thể thực hiện trên toàn quốc mỗi ngày, thậm chí con số này có thể là chỉ dưới 5.000 thôi. Thật khó để biết chính xác ai đang trực tuyến vào thời điểm nào để xét nghiệm.
- Như vậy có nghĩa là chúng ta đang tụt hậu đáng kể so với các quốc gia phát triển khác, tôi nói đúng chứ?
Tiến sỹ Michael Mina: Xét trong tương quan với dân số ư? Đúng vậy. Tôi nghĩ, ở Mỹ, đáng lẽ chúng ta nên có năng lực xét nghiệm 100.000 mẫu hoặc nhiều hơn mỗi ngày.
- Vậy tại sao hoạt động xét nghiệm ở Hàn Quốc lại thành công đến vậy? Và Mỹ có thể làm theo họ ở điểm nào?
Tiến sỹ Michael Mina: Mỹ về cơ bản đã có thể huy động một lượng khổng lồ các nguồn lực để đưa hoạt động xét nghiệm lên trực tuyến một cách nhanh chóng.
Ở Mỹ, có sự độc lập rất lớn giữa các bang, thậm chí giữa các quận - và rồi các bệnh viện và phòng thí nghiệm - vì thế chúng ta không có được sự phối hợp mà Hàn Quốc đã đạt được để tập trung các nguồn lực vào một chỗ và lập ra một quy ước rõ ràng và hiệu quả để xét nghiệm cho nhiều người.
- Michael, không biết ông có suy nghĩ gì về những trải nghiệm vô cùng khác biệt của những người Mỹ phải chờ 48 tiếng đồng hồ để lấy kết quả xét nghiệm hoặc được thông báo là họ không thể được xét nghiệm, hay các phòng khám khuyên họ liên hệ với CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh)? Đó là biểu hiện của việc thiếu xét nghiệm, hay chỉ là một chức năng của hệ thống y tế phi tập trung tại đất nước này?
Tiến sỹ Michael Mina: Chắc chắn là cả hai. Nhiều xét nghiệm phải được gửi tới các phòng thí nghiệm ở đầu kia đất nước. Điều đó dẫn đến một sự chậm trễ trong việc vận chuyển nói riêng.
Nhưng sự chậm trễ lớn nhất lại ở chỗ rất nhiều người không thể được làm bất kỳ xét nghiệm nào. Và điều đó thực sự bị thúc đẩy bởi một sự thiếu hụt xét nghiệm. Hiện tại chúng ta chưa có đủ năng lực để làm điều đó.
- Vậy ông có biết những gì đang được thực hiện để nâng cao năng lực xét nghiệm không? Ý tôi là, bây giờ đang là tình hình đại dịch rồi.
Tiến sỹ Michael Mina: Đúng vậy. Nhiều nỗ lực lớn đang được tiến hành ở tất cả các cấp. Ví dụ, FDA đã nỗ lực rất nhiều để giảm càng nhiều rào cản càng tốt nhằm đưa các phòng thí nghiệm lên trực tuyến.
Nhưng nói cho cùng, vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết khi chúng ta tìm ra được cách đưa tất cả những phòng thí nghiệm nhỏ thường thực hiện các xét nghiệm này cho bệnh nhân lên trực tuyến.
Và điều này sẽ đòi hỏi các đối tác trong ngành, những người thường tạo ra các xét nghiệm này, xin phê duyệt của FDA để có thể đưa chúng đến thật nhiều bệnh viện nhỏ trên khắp cả nước.
- Ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm tăng tốc cho hoạt động này càng sớm càng tốt? Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ? Tổng thống?
Tiến sỹ Michael Mina: Nói chung, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta, hoạt động xét nghiệm trong phòng thí nghiệm không được kiểm soát trên toàn quốc. Điều đó có nghĩa là không một cá nhân nào nhất thiết phải có trách nhiệm bảo đảm là Hoa Kỳ đang đi đúng đường.
Thật không may, chúng ta đang để lộ ra một trong những điểm yếu của mình, đó là không có chăm sóc sức khỏe tập trung và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tập trung.
Bây giờ chúng ta đang thấy rằng việc phối hợp các nỗ lực lớn trên toàn quốc là rất khó. Nhưng đó là điều thực sự cần thiết nếu chúng ta muốn bảo vệ tất cả người dân ở đất nước này./.