COVID-19: Pháp cảnh giác với biến thể, Anh có thể khan hiếm hàng hóa

Pháp đã đóng cửa biên giới trên bộ với Anh khiến hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ giữa hai nước rơi vào hỗn loạn và có thể gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tại Anh.
Xe tải xếp hàng dài trên tuyến quốc lộ A20, tuyến đường chính dẫn tới cảng Dover, phía Nam Anh. (Ảnh: TTXVN phát)

Một năm kể từ ngày virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) và sự xuất hiện của biến thể virus gây bệnh COVID-19 này tại Anh đang làm dấy lên quan ngại mới về nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Ngày 21/12, trong cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cần nâng cao cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh trong nước. Bản thân ông Macron đang phải cách ly và điều trị sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tuần trước.

Hiện Pháp đã đóng cửa biên giới trên bộ với Anh do lo ngại nguy cơ lây nhiễm chủng mới của virus SARS-CoV-2, khiến hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ giữa hai nước rơi vào hỗn loạn.

Người phát ngôn của Liên đoàn Vận tải quốc gia Pháp, bà Vanessa Ibarlucea, cho biết tình hình tắc nghẽn tại biên giới đang ngày càng nghiêm trọng khi không có lái xe nào muốn chở hàng vào Anh do lo ngại dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung hàng hóa tại Anh có thể khan hiếm.

Nguy cơ khan hiếm hàng hóa tại Anh

Cùng ngày 21/12, tập đoàn siêu thị Sainsbury của Anh cảnh báo nguy cơ khan hiếm hàng hóa trong những ngày tới nếu hoạt động vận tải giữa Anh và Pháp - điểm trung chuyển hàng hóa giữa Anh với toàn châu Âu, không sớm được khôi phục.

Lãnh đạo chuỗi siêu thị này kêu gọi chính phủ hai nước sớm thông nhất một giải pháp, trong đó ưu tiên cấp phép vận tải các loại hàng hóa và thực phẩm tại nhiều cảng.

[Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện tại Pháp]

Cuộc khủng hoảng vận tải hàng hóa và đi lại xảy ra vài ngày trước khi Anh chính thức rời khỏi thị trường chung châu Âu trong khi vẫn chưa rõ về khả năng đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong giao đoạn hậu Brexit.

Hàn Quốc, Nhật Bản siết chặt các biện pháp phòng dịch

Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao, ngày 21/12, Hàn Quốc và Nhật Bản đã quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Chính quyền thủ đô Seoul cùng hai địa phương lân cận là tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon của nước này đã công bố lệnh hành chính, cấm tất cả các cuộc tụ tập riêng tư trong nhà và ngoài trời quá năm người.

Quyết định này có hiệu lực từ 0 giờ 00 ngày 23/12/2020 tới 3/1/2021. Theo lệnh hành chính mới, tất cả các cuộc gặp gỡ, trong đó có họp lớp, tiệc cuối năm, liên hoan công ty, hội thảo cũng như các tiệc mừng đều bị cấm trong khoảng thời gian này.

Tiệc cưới và lễ tang không nằm trong diện bị cấm nhưng chỉ được phép tổ chức với quy mô dưới 50 người, căn cứ theo lệnh giãn cách xã hội mức 2,5 đang được thực hiện. Nếu vi phạm, cả chủ doanh nghiệp và khách sẽ bị phạt.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong buổi họp báo chiều 21/12, quyền Thị trưởng Seoul Seo Jeong-hyup nhấn mạnh dù lệnh cấm tụ tập trên năm người gây bất tiện cho người dân, nhưng nếu không chặn được xu hướng lây nhiễm COVID-19 hiện nay thì thủ đô Seoul sẽ rơi vào tình cảnh tương tự như thành phố New York (Mỹ) hay thủ đô London của Anh. Bên cạnh đó, ông cũng hối thúc người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch.

Từ ngày 16-20/12, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc liên tiếp ở mức trên 1.000 trường hợp. Số ca nhiễm mới trong ngày 21/12 ở dưới mức 1.000 là do xét nghiệm ít hơn vào cuối tuần. Số ca nhiễm ở thủ đô Seoul chiếm khoảng 70% số ca nhiễm trên cả nước.

Cùng ngày, Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) Yuriko Koike cũng hối thúc 14 triệu người dân ở thành phố này ở nhà trong các dịp lễ sắp tới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Australia tái áp đặt hạn chế đi lại giữa các bang

Trong khi đó, sau khi ghi nhận ổ dịch mới tại khu vực ven biển phía Bắc ở Sydney, bang New South Wales (NSW), chính quyền các bang và vùng của Australia đã áp đặt lại lệnh cấm đi lại đối với người dân đến từ khu vực Sydney.

Một số bang, trong đó có Victoria, yêu cầu những người đến từ vùng Sydney phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại một khách sạn. Các bang khác, trong đó có Queensland ở miền Bắc, thậm chí còn cấm toàn bộ người dân Sydney không được vào bang này, trong khi bang Western Australia cấm toàn bộ người dân đến từ bang NSW.

Phát biểu với báo giới, Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian cho biết sẽ thông báo các hạn chế phòng, chống dịch bệnh trong dịp Giáng sinh vào ngày 23/12.

Hiện tổng số ca nhiễm liên quan đến ổ dịch mới đã tăng lên 83 ca. Theo giới chức y tế, hiện chưa thể xác định nguồn lây nhiễm của ổ dịch này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục