Singapore
Những quy định mới ở Singapore theo đó bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm các quy tắc "giữ khoảng cách xã hội" đều có thể bị phạt tù là một ví dụ về những quy định nghiêm ngặt trên toàn thế giới trong nỗ lực chiến đấu chống COVID-19.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Singapore, những người không duy trì khoảng cách 1m khi tương tác với người khác ở nơi công cộng có thể bị phạt tới 10.000 đôla Singapore (tương đương 6.985 USD) và có thể phải chịu án tù 6 tháng.
Biện pháp nghiêm ngặt này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới thông qua những quy định không kém phần khắt khe nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Jordan
Các chính sách chống COVID-19 của Jordan có thể coi là triệt để nhất cho đến nay. Ban đầu, nước này áp dụng biện pháp phong tỏa suốt ngày đêm, đồng thời hứa hẹn sẽ phân phát bánh mỳ và nước uống cho tất cả người dân. Những người vi phạm các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt có thể bị phạt 1 năm tù giam.
Theo tờ Guardian đưa tin, ít nhất đã có 800 người bị bắt chỉ trong vài ngày. Các biện pháp này sau đó đã được nới lỏng khi chính phủ cho phép người dân đi dạo và tới các cửa hàng hay hiệu thuốc.
Italy
Các nhà chức trách đã bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn tình trạng vi phạm các biện pháp kiểm dịch ở Italy. Nước này đã triển khai hơn 100 binh lính với nhiệm vụ thực thi các biện pháp phong tỏa ở Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu.
[Tình hình dịch COVID-19 sáng 28/3: Gần 595.000 người nhiễm bệnh]
Hơn 90.000 người Italy đã bị xử phạt hành chính với số tiền phạt có thể lên tới 3.000 euro (tương đương 3.300 USD). Người dân Italy cũng có thể phải ngồi sau song sắt 3 tháng nếu vi phạm các quy tắc về hạn chế đi lại.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha có lẽ là nước đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Kể từ khi nước này tiến hành phong tỏa toàn quốc vào giữa tháng 3 tới nay, người dân Tây Ban Nha chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm và thuốc men.
Các quy định này vốn theo dự kiến sẽ được dỡ bỏ sau 15 ngày, song đã được kéo dài tới ngày 11/4.
Những người bị phát hiện vi phạm các quy định sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ, tái phạm nhiều lần có thể kéo theo án tù từ 3-18 tháng. Theo các nguồn tin, đã có hơn 30.000 trường hợp bị phạt tiền và 900 trường hợp bị bắt do không tuân thủ quy định.
Ấn Độ
Thủ tướng Narendra Modi đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày bắt đầu từ thứ Ba (24/3), buộc 1,3 tỷ người phải ở trong nhà, chỉ các dịch vụ thiết yếu và cơ sở kinh doanh nhu yếu phẩm mới được phép mở cửa.
Các biện pháp kiểm dịch trên toàn quốc đang được thực thi với chế tài xử lý rất nghiêm khắc: Với một số quy định đã được đặt ra, các nhà chức trách đã áp dụng mức tiền phạt nặng cũng như phạt tù lên tới 2 năm.
Anh
Cảnh sát Anh đã được cho phép dùng vũ lực buộc người dân trở về nhà nhằm thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc. Những người không có "lý do hợp lý" để đi ra ngoài có thể bị phạt 60 bảng Anh (73 USD). Những người tái phạm có thể bị phạt gấp đôi.
Biện pháp này đã phải hứng chịu những chỉ trích, trong đó có làn sóng phản đối trên mạng xã hội nhằm vào cảnh sát vùng Derbyshire vì đã sử dụng thiết bị bay không người lái để "bêu xấu" những người được cho là đang vi phạm các quy tắc về giữ khoảng cách xã hội./.