COVID-19: Nhật Bản vượt ngưỡng 400.000, Hàn Quốc vượt mốc 80.000 người

Theo thống kê mới nhất, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản đã vượt ngưỡng 400.000 người, trong khi số ca nhiễm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt mốc 80.000 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 400.000 người.

Như vậy, có thể thấy, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 ở Nhật Bản đã ngày tăng tăng. Sau khi bùng phát vào giữa tháng 1/2020, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này chỉ tăng lên ngưỡng 100.000 vào ngày 29/10, nhưng đã vượt ngưỡng 200.000 vào ngày 21/12, 300.000 ngày 13/1 và 400.000 ngày 4/2.

Ngày 4/2, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.576 ca mắc mới, trong đó thủ đô Tokyo có 734 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới trên toàn quốc ở dưới ngưỡng 3.000, tuy nhiên số ca nguy kịch lại tăng lên 892 ca.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, số lượng người già mắc COVID-19 ở quốc gia trên đang có xu hướng tăng nhanh.

Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu, Chính phủ Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình tiêm vắcxin phòng bệnh trên toàn quốc.

Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết chính quyền trung ương sẽ chi trả toàn bộ phí tổn cho các chính quyền địa phương để đảm bảo rằng mọi người dân đều được tiêm vắcxin miễn phí.

Phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 4/2, Thủ tướng Suga nhấn mạnh “tất cả các khoản chi phí cần thiết sẽ được Nhà nước chi trả để đảm bảo rằng những khác biệt về năng lực tài chính sẽ không cản trở công tác chuẩn bị” cho chương trình tiêm chủng này.

Trong diễn biến khác liên quan, Công ty Dược phẩm Takeda dự định sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắcxin của công ty dược phẩm sinh học Novavax Inc. (Mỹ) ở Nhật Bản từ ngày 20/2.

Dự kiến sau khi xác nhận độ an toàn của vắcxin này, Takeda sẽ nộp đơn xin cấp phép lưu hành vắcxin Novavax ở Nhật Bản và bắt tay vào sản xuất trong nửa cuối của năm nay.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 5/2: Hơn 77 triệu người khỏi bệnh]

Với các công nghệ liên quan được chuyển giao từ Novavax, hãng dược phẩm này có kế hoạch sản xuất hơn 250 triệu liều vắcxin/năm tại một nhà máy ở thành phố Hikari, tỉnh Yamaguchi, phía Tây Nhật Bản.

Khác với nhiều loại vắcxin khác, Novavax có thể trữ đông ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong các tủ lạnh thông thường. Kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Anh cho thấy tỷ lệ hiệu quả trong việc phòng ngừa COVID-19 của loại vắcxin này ở Anh là 89,3%.

Tháng 8 năm ngoái, Takeda và Novavax đã đạt được thỏa thuận cơ bản về việc hợp tác trong phát triển, sản xuất và phân phối vắcxin trên ở Nhật Bản. Ngoài Novavax, Takeda cũng đang thử nghiệm lâm sàng một loại vắcxin khác của hãng Moderna Inc (Mỹ) cũng ở Nhật Bản.

Thái Lan áp dụng chiến lược mới tại tâm dịch Samut Sakhon

Trong khí đó, tại Thái Lan, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhà chức trách nước này sẽ áp dụng các biện pháp "bịt chặt” và “bong bóng" để hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong lao động nhập cư ở tâm dịch Samut Sakhon sau khi những xét nghiệm tại 7 nhà máy ở tỉnh này trong nhiều tuần qua cho thấy gần 8.000 ca dương tính.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVId-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các quan chức y tế ở Samut Sakhon đã đồng ý áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới nêu trên sau khi có tin tức cho biết đợt lây nhiễm thứ hai ở tỉnh này nghêm trọng hơn suy nghĩ ban đầu, theo đó phương pháp “bịt chặt” sẽ áp dụng cho các nhà máy có chỗ ở tại chỗ và công nhân sẽ không được phép rời khỏi cơ sở, trong khi biện pháp “bong bóng" sẽ áp dụng cho các nhà máy không có chỗ ở tại chỗ khiến công nhân phải ở ký túc xá ngoài khuôn viên.

Theo Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Samut Sakhon, ông Surawit Sakdanupab, mục tiêu của các biện pháp mới là kiểm soát chặt chẽ việc đi lại và di chuyển của người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc để ngăn họ đến các địa điểm khác.

Các quan chức có thể được triển khai để giám sát các lao động tại ký túc xá, đồng thời giao thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác cho người lao động để họ không phải ra ngoài. Đối với những lao động sống tại các ký túc xá khác nhau, các quan chức địa phương có thể phải xác định vị trí của họ và thực thi chiến lược “bong bóng” trong toàn bộ khu vực.

Hàn Quốc: Số ca bệnh vượt mốc 80.000 người

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở nước này đã vượt ngưỡng 80.000 người, khi ghi nhận thêm 370 ca mắc mới, trong đó có 351 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo KDCA, số các ca mắc COVID-19 mới ở Hàn Quốc đã chậm lại kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đạt đỉnh ở mức cao kỷ lục 1.241 ca vào ngày 25/12/2020.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới gần đây lại có xu hướng tăng đột biến, chủ yếu là từ các ổ lây nhiễm tập thể liên quan đến các cơ sở giáo dục trái phép do một nhóm truyền giáo Tin lành có tên là Hội truyền giáo quốc tế (IM-International Mission).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến 0 giờ ngày 5/2, số ca nhiễm bình quân theo ngày trong tuần vừa qua ở Hàn Quốc là 363 ca, nằm trong phạm vi có thể nới lỏng giãn cách xã hội từ cấp độ 2,5 xuống cấp độ 2.

KDCA sẽ tiếp tục theo dõi xu hướng lây nhiễm đến hết tuần này để quyết định việc có nới lỏng giãn xã hội, lệnh cấm tụ tập và hạn chế kinh doanh hay không.

Hiện các cơ quan chức năng Hàn Quốc vẫn thận trọng về việc nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi cho rằng việc nới lỏng lệnh giãn cách có nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ tư khi các ổ lây nhiễm tập thể tiếp tục bùng phát tại các cơ sở tôn giáo, bệnh viện và các cơ sở công cộng có nguy cơ khác.

Theo nhận định của giới chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, làn sóng lây nhiễm thứ ba ở Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn và chưa đến giai đoạn ổn định. Sau khi vắcxin ngừa COVID-19 được tiêm phòng từ trung tuần tháng 2 tới, người dân có thể sẽ lơ là mất cảnh giác và không loại trừ khả năng bùng phát làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 ngay trong tháng 3 và tháng 4 tới.

Phát biểu tại cuộc họp liên ngành cùng ngày, Thủ tướng Chung Sye-kyun đã yêu cầu người dân duy trì cảnh giác cao độ trước dịch COVID-19, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 cho đến khi Hàn Quốc thành công trong việc hình thành miễn dịch cộng đồng trên cơ sở chương trình tiêm chủng diện rộng sắp được triển khai.

Ông cũng yêu cầu tất cả mọi người không được chủ quan, lơ là, hạ thấp cảnh giác đối với dịch COVID-19 do kỳ vọng vào vắcxin và thuốc điều trị đặc biệt, trong bối cảnh cả Mỹ và Anh đều đã cho thấy có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới ngay trong giai đoạn đầu của đợt tiêm chủng.

KDCA cũng cho biết Hội đồng cung cấp vắcxin quốc tế (COVAX Facility) ngày 4/2 đã công bố kế hoạch phân phối vắcxin sơ bộ.

Theo đó, Hàn Quốc dự kiến sẽ được phân bổ tối thiểu 2.596.000 liều vắcxin của hãng AstraZeneca (Anh) được sản xuất tại công ty Khoa học y sinh SK (SK Bioscience) và 117.000 liều vắcxin của hãng Pfizer (Mỹ).

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối tháng này, trong đó ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (như các nhân viên y tế tuyến đầu).

Bằng cách cung cấp vắcxin miễn phí cho người dân (bao gồm cả người nước ngoài có visa cư trú dài hạn), Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu có 70% dân số được tiêm chủng vào tháng 9 và hình thành miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục