COVID-19 ngày 12/12: Thế giới đã ghi nhận hơn 270 triệu ca nhiễm

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Số ca nhiễm tại Mỹ chiếm gần 1/6 tổng số ca trên thế giới với hơn 50,7 triệu ca, tại Ấn Độ là hơn 34 triệu ca và ở Brazil là hơn 22 triệu ca.
COVID-19 ngày 12/12: Thế giới đã ghi nhận hơn 270 triệu ca nhiễm ảnh 1Tính đến 21h00 ngày 12/12, thế giới đã ghi nhận hơn 270 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 12/12, thế giới đã ghi nhận hơn 270 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 5,3 triệu ca tử vong. Hiện có 21,8 triệu ca đang phải điều trị, trong đó có hơn 88.800 ca nặng.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Số ca nhiễm tại Mỹ chiếm gần 1/6 tổng số ca trên thế giới với hơn 50,7 triệu ca, tại Ấn Độ là hơn 34,6 triệu ca và ở Brazil là hơn 22,1 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 817.798 ca, tiếp đến là Brazil với 616.859 ca, và Ấn Độ với 475.434 ca.

Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, với hơn 83 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với hơn 77,9 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ hiện có hơn 60,5 triệu ca nhiễm và Nam Mỹ là hơn 39,1 triệu ca. Con số này ở châu Phi, nơi đầu tiên thông báo phát hiện biến thể Omicron, là hơn 8,9 triệu ca, trong khi châu Đại Dương hiện có 389.442 ca nhiễm.

Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu thế giới với hơn 1,4 triệu ca, tiếp theo là châu Á với 1.231.861 ca. Bắc Mỹ cũng gần tương đương (1.212.047 ca) trong khi Nam Mỹ có 1.186.176 ca.

Tại châu Á, Bộ Y tế Lào cho biết sau 2 ngày tăng đột biến, ngày 12/12 số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức 4 chữ số: 1.274 ca. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca cộng đồng vẫn ở mức cao với 809 ca. Đáng chú ý, số ca tử vong trong 24 giờ qua là cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.

Tại Malaysia, Bộ Y tế ghi nhận thêm 3.490 ca nhiễm trong ngày 12/12, mức theo ngày thấp nhất kể từ ngày 4/5. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày xuống dưới mức 4.000 kể từ ngày 16/5. Hàn Quốc cũng trải qua ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới xuống dưới mức 7.000 ca.

Tuy nhiên, số ca phải điều trị tích cực đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, làm gia tăng lo ngại về sức ép đối với hệ thống y tế trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp hơn với biến thể Omicron. Ngày 12/12, nước này đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 4 người nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 90 ca. Số ca nhiễm biến thể Omicron được cho là có thể sẽ tiếp tục tăng cao vì hiện có 32 người trong diện nghi nhiễm.

Bộ Y tế Israel ngày 12/12 thông báo ghi nhận tổng cộng 55 người nhiễm biến thể Omicron. Trong số này có 36 người trở về từ các nước Nam Phi, Anh, Pháp, Mỹ, UAE, Belarus, Hungary, Italy và Namibia; 11 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những người trở về từ Nam Phi và Anh; và 8 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước nguy cơ biến thể mới Omicron có thể gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5, các cơ quan hữu quan Israel đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp kiểm soát đồng thời tính đến việc tiêm mũi vaccine bổ sung sau 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo phát hiện 6 ca nhiễm Omicron đầu tiên. Hiện cả 6 trường hợp nhiễm đều không cần nhập viện điều trị. Cùng ngày, giới chức y tế Anh xác nhận có thêm 633 ca nhiễm Omicron.

Đây là ngày Anh ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng cao nhất kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại nước này. Tổng số bệnh nhân nhiễm Omicron được biết đến tại Anh hiện là 1.898 ca. Cơ quan an ninh y tế của Anh (UKHSA) cho rằng nếu biến thể Omicron tiếp tục lây lan như hiện nay, đến giữa tháng 12/2022, Omicron sẽ trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Anh, chiếm hơn 50% số ca mắc COVID-19 tại nước này.

Chính phủ Anh ngày 12/12 thông báo một loạt biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, theo đó từ ngày 14/12, những người đã tiêm đủ vaccine nằm trong danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 sẽ phải  xét nghiệm nhanh hàng ngày trong vòng 7 ngày. Những người chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine sẽ phải tự cách ly trong vòng 10 ngày.

[Mũi tăng cường vaccine Pfizer có thể chống chọi với biến thể Omicron]

Ngày 12/12, cảnh sát Hà Lan đã phát hiện một đường dây chuyên cung cấp virus SARS-CoV-2 được đựng trong lọ thủy tinh và được vận chuyển qua bưu điện tới những đối tượng phản đối vaccine ngừa COVID-19, để những đối tượng này tự cho virus xâm nhập vào cơ thể nhằm có được sự chứng nhận về hồi phục sau khi mắc COVID-19.

COVID-19 ngày 12/12: Thế giới đã ghi nhận hơn 270 triệu ca nhiễm ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là cách thức để những người phản đối vaccine có thể được tự do tham gia các sự kiện đông người tại Hà Lan bao gồm cả các câu lạc bộ đêm. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ Hà Lan đã áp dụng lệnh phong tỏa một phần đối với các cửa hàng và nhà hàng (bao gồm cả quán bar và quán cà phê), buộc những cơ sở kinh doanh này đóng cửa từ 17h hôm trước đến 5h hôm sau, trong khi các siêu thị chỉ được phép mở cửa đến 20h.

Trong giờ mở cửa, các cửa hàng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, bắt buộc đeo khẩu trang và người trên 13 tuổi phải xuất trình chứng nhận an toàn COVID-19 (chứng nhận tiêm chủng hoặc phục hồi sau mắc COVID-19) để có thể vào cửa ở một số địa điểm công cộng và các cửa hàng. Vi phạm bất kỳ biện pháp phòng COVID-19 nào của Hà Lan có thể bị phạt tới 95 euro.

Liên quan đến vaccine, Chủ tịch Hiệp hội Y học truyền nhiễm Séc Pavel Dlouhý bày tỏ ủng hộ Sắc lệnh áp dụng tiêm chủng bắt buộc đối với các nhóm nghề nghiệp được lựa chọn và những người trên 60 tuổi. Theo ông, đây là biện pháp cần thiết để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân. Người cao tuổi là nhóm dễ bị tổn thương nhất, thường mắc COVID-19 thể nặng và có tỷ lệ tử vong cao.

Trong khi đó, chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên xã hội được giao trách nhiệm chăm sóc người bệnh, người già và người dễ bị tổn thương cũng nên bắt buộc tiêm phòng để đảm bảo hoạt động an toàn. Ngoài các nhóm người trên, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtěch cũng đề xuất tiêm chủng bắt buộc cho các chuyên gia y tế, bao gồm sinh viên y khoa, nhân viên của các cơ sở y tế.

Theo ông Vojtěch, việc tiêm chủng bắt buộc này cũng nên áp dụng cho cả nhân viên xã hội, nhân viên cứu hỏa, tình nguyện viên, binh sỹ quân đội, cảnh sát, nhân viên hải quan.

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sheba (Israel) công một kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron, tuy nhiên so với Delta, hiệu quả "phòng vệ" vaccine của Pfizer trước Omicron thấp hơn 4 lần.

Cụ thể, kháng thể của những người chỉ tiêm 2 mũi không thể chống trả biến thể Omicron, mặc dù vẫn có khả năng chống chọi với biến thể Delta và chủng gốc của virus SARS-CoV-2. Ở người tiêm đủ 3 mũi, khả năng tạo kháng thể đối với Omicron là có, song lại thấp hơn 4 lần so với đối với Delta.

Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Pfizer khẳng định vaccine của hãng cũng có khả năng phòng ngừa biến thể Omicron. Ở thời điểm chưa có vaccine phòng chống Omicron hiệu quả, nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chính phủ các nước cân nhắc thực hiện tiêm mũi tăng cường cho người dân vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tối đa sức khỏe của người dân.

Cùng ngày, Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Anh công bố một báo cáo cho biết ho khan và ngứa họng là những triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở 90% người nhiễm biến thể Omicron. Báo cáo cũng nhận định Omicron lây lan nhanh hơn các biến thể trước, nhưng đến nay chưa có nhiều ca nhiễm biến thể này phải nhập viện.

Báo cáo cũng cho biết các triệu chứng ở những người đã tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm COVID-19 được cho là nhẹ hơn so với những người chưa tiêm vaccine. Báo cáo cảnh báo dù rằng đa số các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên việc biến thể có khả năng lây lan nhanh có thể gây quá tải cho hệ thống y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục