COVID-19: Mở rộng diện xét nghiệm và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh Bình Dương, Hải Dương và Sóc Trăng đã chủ động mở rộng diện xét nghiệm và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Lấy mẫu test nhanh 'quét' F0 trên địa bàn thành phố Dĩ An (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN phát)

Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 8/8 Bình Dương ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 lên tới 3.210 ca, nhiều thứ 2 trong cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh), ngay trong ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh.

Trong công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương nêu rõ, đến nay tỉnh đã được phân bổ 544.060 liều vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên con số này vẫn rất nhỏ so với quy mô dân số hơn 2,6 triệu người và trong thời gian tới (ljm,ltháng 8, 9/2021) tỉnh phải tiến hành tiêm vaccine cho khoảng hơn 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lực lượng lao động.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Y tế xem xét phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, lũy kế toàn tỉnh đến nay đã tiêm các loại vaccine cho 159.756 người (trong đó 144.611 người mũi 1; 15.145 người tiêm mũi 2; 14.822 người có phản ứng thông thường).

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng theo kế hoạch đề ra, tỉnh đã huy động lực lượng y tế thực hiện tiêm chủng với mục tiêu tiêm 100.000 liều/ngày, phấn đấu trước ngày 10/8 tiêm hết số lượng vaccine đã được phân bổ.

Giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức lực lượng tiêm cho công nhân lao động theo phương châm mỗi công nhân lao động ít nhất được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Bình Dương cũng đang triển khai nâng cách ly tập trung lên 50.000 chỗ và sẽ mở rộng lên 100.000 chỗ; khẩn trương xây dựng phương án mở rộng và bổ sung số giường điều trị từ 17.240 giường lên 30.000 giường để kịp thời điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Ủy ban nhân tỉnh Bình Dương chỉ đạo hoàn thành việc chuyển các ca bệnh tại các địa phương về điều trị tại các bệnh viện dã chiến trong ngày 8/8 nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tiếp nhận thu dung các ca nhiễm mới qua sàng lọc.

[Ghi nhận 9.690 ca mắc trong ngày 8/8, riêng Bình Dương có 3.210 ca]

Hiện tại, tỉnh có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người (tổng cộng: 581 người).

Số giường hiện đáp ứng điều trị được 17.240 người. Ngoài ra tỉnh cũng đã huy động 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tại Hải Dương, do số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 đang lan rộng trong cộng đồng trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương ra quy định lấy mẫu xét nghiệm tại các xã, phường, thị trấn tại các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hải Dương thực hiện phương châm xuyên suốt trong công tác phòng, chống dịch là "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và 4 tại chỗ"; lấy phòng dịch là chính; chủ động thực hiện nguyên tắc "sớm hơn 1 bước, cao hơn 1 cấp," hành động nhanh hơn dịch mới sớm ngăn chặn được dịch bệnh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch.

Hải Dương thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo diện rộng hơn ở khu vực có ca bệnh và lấy mẫu dầy hơn ở khu vực nguy cơ cao: Nơi cách ly F1 cần thực hiện hai đến ba ngày xét nghiệm 1 lần để nhanh chóng tách F0 (nếu có) ra khỏi khu vực cách ly để điều trị, đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá dịch tễ để quyết định các lần xét nghiệm tiếp theo đảm bảo tiết kiệm nguồn lực nhưng không bỏ lọt F0.

Chính quyền các cấp huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, xây dựng Kế hoạch lấy mẫu khoa học để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo khi đi xét nghiệm.

Bên cạnh đó, huy động bổ sung lực lượng giáo viên tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm: giáo viên trẻ, không có bệnh nền, sử dụng thành thạo máy vi tính và có đơn tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Trung tâm Y tế cấp huyện chủ động lựa chọn các giáo viên đáp ứng được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm để tập huấn, lập danh sách gửi về Ban Chỉ đạo cấp xã thực hiện huy động khi cần thiết.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố cần chuẩn bị lực lượng huy động khoảng 300-500 giáo viên, trong đó 100 giáo viên đào tạo sử dụng phần mềm xét nghiệm, số giáo viên còn lại đào tạo lấy mẫu xét nghiệm.

Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã nhận được 72 ngàn liều vaccine, đã triển khai tiêm 3 đợt với tổng số đối tượng được tiêm đến đầu tháng 8 này là hơn 58.500 liều, đạt hơn 81%. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine năm 2021-2022, Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch thực hiện với 57 điểm tiêm, có thể tiêm từ 12.000-15.000 liều/ngày.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị các công ty, doanh nghiệp lập danh sách người lao động chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 gửi về Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, gửi về sở Y tế để phân bổ.

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập danh sách ưu tiên cho các đối tượng là phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi, người lao động không thuộc các công ty, doanh nghiệp quản lý , gửi về ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Trước đó, ngày 7/8, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã gửi tâm thư đến cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành y tế, thầy thuốc về hưu, sinh viên đang theo học hoặc tốt nghiệp ngành Y trên địa bàn tỉnh tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch.

Trong thư, lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu; các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe hãy tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.

Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Ngày 27/7, có 16 giảng viên và 45 sinh viên của trường này đăng ký tình nguyện tham gia đã chính thức vào cuộc chiến chống dịch theo sự phân công của Sở Y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục