COVID-19: Hậu quả của việc không bảo đảm tiếp cận vắcxin công bằng

Theo chuyên gia, việc tìm ra các loại vắcxin mới sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch nếu tất cả các nước trên thế giới không được nhận vắcxin một cách nhanh chóng và công bằng.
COVID-19: Hậu quả của việc không bảo đảm tiếp cận vắcxin công bằng ảnh 1Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc tìm ra các loại vắcxin mới ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch nếu tất cả các nước trên thế giới không được nhận vắcxin một cách nhanh chóng và công bằng.

Giới chuyên gia dịch tễ đưa ra cảnh báo trên trong một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí chuyên ngành y khoa Lancet, số ra ngày 13/2.

Trong bối cảnh một số quốc gia xem xét triển khai hộ chiếu vắcxin khi hoạt động đi lại quốc tế được nối lại, giới chuyên gia cho rằng việc các nước giàu dự trữ vắcxin ngừa COVID-19 sẽ chỉ kéo dài tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đồng thời cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc vắcxin" có thể khiến sáng kiến COVAX nhằm phân phối vắcxin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vắcxin trong một vài năm tới.

Ông Olivier Wouters thuộc trường Đại học Khoa học Chính trị và Kinh tế London (Anh) - tác giả chính của bức thư, khẳng định thực tế là thế giới hiện cần nhiều vắcxin ngừa COVID-19 hơn bất kỳ loại vắcxin nào khác trong lịch sử để có thể tiêm đủ cho mọi người nhằm đạt được khả năng miễn dịch toàn cầu. Do đó, nếu vắcxin không được phân phối công bằng hơn, có thể phải mất vài năm thế giới mới có thể kiểm soát được dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù có tới hơn 20 loại vắcxin ngừa COVID-19 được phát triển hoặc phê duyệt lưu hành, song các nước có thu nhập thấp hơn vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn về mặt hậu cần để mua được vắcxin và phân phối cho người dân, trong đó có vấn đề thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu về vận chuyển và bảo quản, đặc biệt là các loại vắcxin mRNA đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh trong suốt quá trình phân phối.

Đó là chưa kể thực tế dù đầu tư công và tư vào vắcxin ngừa COVID-19 hiện ở mức chưa từng có tiền lệ, song ước tính COVAX vẫn cần thêm 6,8 tỷ USD trong năm 2021 để có thể đảm bảo cung ứng vắcxin cho 92 quốc gia đang phát triển.

Giới chuyên gia kêu gọi các nhà sản xuất tăng tốc chuyển giao công nghệ để giúp các quốc gia đang phát triển sản xuất vắcxin trong nước, cũng như kiểm soát giá cả đối với các loại vắcxin được cho là "đắt tiền" hiện nay trên thị trường.

[Chính phủ Mỹ mua thêm 200 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19]

Cùng ngày, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết đang đề xuất các cơ quan chức năng trên khắp thế giới cho phép đóng thêm 50% lượng vắcxin ngừa COVID-19 vào mỗi lọ để có thể đẩy nhanh mức cung cấp hiện nay.

Moderna đưa ra tuyên bố trên sau khi tờ The New York Times đăng tải thông tin Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép công ty này tăng thêm 40% liều lượng vắcxin.

Người phát ngôn của Moderna nêu rõ công ty này đã đề xuất đóng mỗi lọ vắcxin ngừa COVID-19 lên 15 liều, thay vì 10 liều như trước nhằm tối đa hóa các nguồn lực cũng như các cơ hội để đẩy nhanh việc cung cấp nhiều liều vắcxin hơn cho các thị trường.

Moderna đang thảo luận với FDA và nhà chức trách các quốc gia khác về việc tăng liều lượng trong mỗi lọ vắcxin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục