COVID-19: Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ cao

Hơn 90% người Hàn Quốc ở độ tuổi 60 trở lên đã được tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) nhưng vẫn được khuyến nghị tiêm mũi 4 vì tác dụng của vaccine bắt đầu giảm đi đáng kể khoảng 2 tháng sau mũi 3.
COVID-19: Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ cao ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/4, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi.

Đối tượng tiêm là người từ 60 tuổi trở lên và đã tiêm mũi 3 được 120 ngày. Thời gian đặt lịch tiêm bắt đầu từ ngày 18/4 và thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 25/4.

Quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết hơn 90% người Hàn Quốc ở độ tuổi 60 trở lên đã được tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) nhưng vẫn được khuyến nghị tiêm mũi 4 vì tác dụng của vaccine bắt đầu giảm đi đáng kể khoảng 2 tháng sau mũi 3. Có khoảng 10,66 triệu người Hàn Quốc trong độ tuổi trên thuộc nhóm nên tiêm mũi 4.

Mũi tiêm thứ 4 chỉ được chỉ định tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi đang điều trị tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém. Việc tiêm mũi 4 sẽ được triển khai tại các cơ sở y tế, sử dụng vaccine công nghệ mRNA. Người thuộc nhóm chống chỉ định sử dụng vaccine mRNA có thể được tiêm bằng vaccine của hãng Novavax.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 13/4 của Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok-cheol đánh giá các chỉ số phòng dịch hiện tại ở Hàn Quốc đang có chiều hướng ổn định, nhưng chưa tới giai đoạn có thể yên tâm hoàn toàn.

[Dịch COVID-19: Hàn Quốc dỡ bỏ khuyến cáo đặc biệt về đi lại]

Trong khi đó, Trưởng Ban chiến lược xã hội Ủy ban Khắc phục sự cố trung ương thuộc bộ trên, ông Sohn Young-rae nhận định rất khó để đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc để chấm dứt dịch COVID-19.

Theo ông, tương tự như các nước khác trên thế giới, Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục cơ chế "sống chung với COVID-19" thay vì tìm cách chấm dứt được đại dịch này trong thời gian tới. Mặc dù phần lớn người dân đang cho rằng dịch COVID-19 có thể kết thúc nhờ "miễn dịch cộng đồng", nhưng cơ quan y tế nhận định điều này không thể đạt được.

Trong khi đó, Ủy ban Khắc phục sự cố trung ương chỉ ra rằng trong đợt bùng phát làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron lần này, số lượng ca mắc COVID-19 tăng mạnh, thêm vào đó là tỷ lệ bao phủ vaccine đang ở mức cao nên ít nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại trên diện rộng.

Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở quy mô nhỏ nếu xuất hiện biến thể mới, hay vào mùa Đông khi khả năng lây nhiễm của virus cao hơn.

Thống kê của KDCA cho thấy trong tuần đầu tháng 4, công suất sử dụng giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng ở các địa phương ngoài khu vực Seoul và lân cận thủ đô đã giảm xuống 65% thay vì mức bình quân 70% của 4 tuần trước đó.

Số người điều trị tại nhà sau khi lên tới đỉnh điểm hơn 2 triệu người vào tháng 3 đã giảm xuống ở khoảng 1 triệu người hiện tại.

Song song với việc mở rộng tiêm phòng vaccine, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ điều chỉnh biện pháp phòng dịch, từng bước khôi phục đời sống thường nhật cho người dân.

Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương sẽ công bố phương án điều chỉnh các quy định về giãn cách xã hội và phương án tổng thể về bình thường hóa hệ thống y tế vào ngày 15/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục