COVID-19: Hà Nội bàn cách phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh

Theo Sở Y tế Hà Nội, nhìn chung các bệnh viện đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế... để thực hiện, áp dụng các biện pháp Bệnh viện an toàn.
COVID-19: Hà Nội bàn cách phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Vietnam+)

Sáng 22/8, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý (Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 thành phố) đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Cục, Vụ, viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ y tế và lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn nhằm thảo luận các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

[Việt Nam không có ca mắc mới, thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh]

Còn 3 bệnh viện ngoài công lập "không an toàn"

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám tư nhân với đầy đủ các hình thức tổ chức hành nghề từ đa khoa đến chuyên khoa.

Trong giai đoạn từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các bệnh viện trên địa bàn. Chính vì vậy, bệnh viện cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh COVID-19.

“Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại các bệnh viện của Đà Nẵng và một số tỉnh,” lãnh đạo Sở Y tế nói.

Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, tính đến thời điểm hiện nay, ngành y tế đã kiểm tra 46/80 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 30/41 bệnh viện công lập, 16/39 bệnh viện tư nhân.

Kết quả, có 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp. Đáng chú ý, Bệnh viện Vinmec đạt là bệnh viện an toàn với mức điểm cao nhất, tổng số điểm là 92,66 %. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đặt bệnh viện an toàn ở mức điểm cao thứ hai, đạt tổng điểm là 87,3 %.

Tuy vậy, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3/46 bệnh viện không an toàn, chủ yếu là các nhóm bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập. Cả ba bệnh viện này đều không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly.

Ngay sau khi kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục và báo cáo Sở Y tế. Sở Y tế cũng cảnh báo, nhắc nhở các bệnh viện an toàn ở mức thấp và đề nghị xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại và tổ chức rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly.

Qua một số ca bệnh cụ thể, Sở Y tế cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến để mà rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, cách ly, bàn giao ban khối bệnh viện 1 tuần 1 lần.

Bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, nhìn chung các bệnh viện đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế, thành phố và Sở Y tế để thực hiện, áp dụng các biện pháp Bệnh viện an toàn phù hợp với từng bệnh viện.

COVID-19: Hà Nội bàn cách phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh ảnh 2Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội lưu ý về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý một số bệnh viện về các Kế hoạch còn chưa chi tiết và chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như việc kiểm soát người ra vào bệnh viện chưa triệt để.

Ngoài ra, một số nơi còn chưa bố trí chốt phân luồng ngay tại cổng bệnh viện hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung như đeo khẩu trang chưa đầy đủ đối với người bệnh và người nhà người bệnh và chưa thực hiện giãn cách đầy đủ tại các khu vực đông người và buồng bệnh.

Tại buổi họp, đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn bày tỏ tin tưởng vào năng lực phòng chống dịch của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt đánh giá rất cao hiệu quả trong công tác xét nghiệm, phát hiện cách ly sớm người bệnh, khoanh vùng xử lý điểm dịch của thành phố.

Theo tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thế Anh, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, ngay từ đầu năm khi có dịch COVID-19 xảy ra, bệnh viện luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Y tế và Hà Nội một cách đầy đủ, từ đó tiến hành triển khai sàng lọc, giãn cách bệnh viện theo đúng quy định.

Đặc thù của Bệnh viện không có hiện tượng nằm ghép giường nên bệnh nhân đến nằm điều trị rộng rãi luôn giữ được an toàn khoảng cách. Bên cạnh đó, ngay từ cổng vào viện có chốt sàng lọc các yếu tố nguy cơ và chuẩn bị phòng khám cách ly, khu cách ly tại một tòa nhà riêng biệt.

“Thời gian qua, bệnh viện có một số trường hợp nghi ngờ đã được đưa vào phòng khám cách ly ngay, nhân viên tiếp xúc với các đối tượng này cũng được cách ly,” Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho hay.

Trong khi đó, theo tiến sỹ, Bác sỹ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện có nhiều bệnh nhân với bệnh lý nền, chạy thận nhân tạo, người cao tuổi… vì vậy, khi có dịch xảy ra sẽ rất nghiêm trọng.

Theo đó, bệnh viện luôn quan tâm đến an toàn dịch bệnh, từ người lao động đế nhân viên y tế ở tất cả các khâu, nhất là vấn đề sàng lọc do nhiều người không khai báo hết lịch trình nên không thể chỉ dựa vào triệu chứng ho, sốt... Bởi vậy, những bệnh nhân có nguy cơ viện sẽ tiến hành chụp Xquang ngay tại chỗ để kiểm tra, điều trị kịp thời, nếu để lọt vào Khu điều trị nội trú sẽ khoanh vùng, dập dịch không kịp.

Sàng lọc bệnh nhân ngay khi vào khám

Giáo sư, tiến sỹ Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, nếu các bệnh viện chủ quan trong phòng chống dịch thì sẽ rất vất vả trong việc dập dịch. Vì vậy, nếu sàng lọc kỹ các bệnh nhân ngay từ khi vào khám bệnh thì số người phải xét nghiệm sẽ giảm đi rất nhiều.

“Một bệnh nhân trong 8-9 ngày đi khắp các khoa trong viện, sao xét nghiệm SASR-CoV-2 lại không biết? Chống dịch như chống giặc mà để giặc vào nhà thì chết dở, nên phải nghiêm túc,” ông Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng nếu với bệnh viện chuyên khoa việc sàng lọc, xét nghiệm sẽ đơn giản hơn nhưng với bệnh viện đa khoa có nhiều bệnh nhân với nhiều triệu chứng lâm sàng nên chỉ sàng lọc được qua xét nghiệm.

"Với trường hợp không có dịch tễ hay là đối tượng F1, F2 thì những trường hợp khác làm xét nghiệm và thanh toán sẽ đặt ra như thế nào? Cơ chế nào đối với bệnh nhân chưa đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm?," đại diện bệnh viện Thanh Nhàn kiến nghị thêm.

COVID-19: Hà Nội bàn cách phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh ảnh 3Các đại biểu tại cuộc họp Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh sáng 22/8. (Ảnh: Vietnam+)

Còn theo Phó Giám đốc bệnh viện 108 Lê Hữu Sang, các đơn vị liên quan cần tiến hành sơ kết lại xem tỷ lệ lây nhiễm từ F0 sang F1 và từ F1 sang F2 như thế nào.

Từ đó, theo ông Sang cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, nếu không đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. Bởi việc cách ly, xét nghiệm cho mỗi ca hiện nay theo quy định bảo hiểm chỉ chi trả 700.000 đồng, nhưng thực tế lên đến 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn Chính quyền Hà Nội phối hợp trong việc kiểm soát nguồn lẫy nhiễm đối với những người kinh doanh hàng quán, dịch vụ, cò mồi… xung quanh bệnh viện, cũng như kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hỗ trợ CDC Hà Nội xét nghiệm tại những cơ sở chưa đủ khả năng xét nghiệm…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh trong thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn còn có nơi có trường hợp dương tính, thậm chí có nơi có nguy cơ lây nhiễm như bệnh viện Hồng Ngọc, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Thanh Nhàn…

“Khi có ca nhiễm trong bệnh viện, sẽ có hàng nghìn người liên quan đến các ca bệnh,” ông Quý lưu ý và nhắc lại bài học tại bệnh viện Đà Nẵng đã lây lan ra 15 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Ông dẫn chứng, qua kiểm tra 46 bệnh viện trên địa bàn Thành phố, Sở Y tế đã phát hiện 34 bệnh viện an toàn, 9 bệnh viện an toàn ở mức thấp, 3 bệnh viên không an toàn, thiếu tiêu chí trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với các bệnh viện này, Sở Y tế đều kiến nghị dừng hoạt động.

“Mặc dù mới kiểm tra 46/80 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố mà đã phát hiện các trường hợp còn chủ quan, chưa thực hiện đúng các quy định của Trung ương và thành phố,” ông Quý nói.

Từ thực tế đó, ông Quý đề nghị các bệnh viện cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban chỉ đạo quốc gia, Công điện và hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội.

Lưu ý công tác chuẩn bị tại bệnh viện là hết sức quan trọng, ông Quý yêu cầu các bệnh viện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng phương án khi có trường hợp dương tính xảy ra; chuẩn bị đẩy đủ vật tư, trang thiết bị và tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ cũng như chuẩn bị phòng cách ly, phòng sàng lọc, khu vực cách ly cho nhân viên y tế.

Ông cũng đề nghị các bệnh viện cần có sơ đồ, tổ chức phân luồng khám chữa bệnh, trong đó có biển báo hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc và cách ly các ca nghi ngờ, cũng như có các quy định cụ thể để người khám bệnh, người nhà hiểu biết được cần phải làm gì trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay; quy định cho các y bác sĩ; quy định nội bộ trong bệnh viện.

Song song với các nội dung trên, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội yêu cầu các bệnh viện cần làm ngay công tác tự đánh giá mức độ an toàn trong bệnh viện. Đối với các trường hợp đã được đánh giá rồi nhưng vẫn còn ở mức an toàn thấp thì phải có các biện pháp để nâng cao mức độ an toàn. Tăng cường sàng lọc và chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ và các bệnh nhân có tiền sử y tế chưa rõ ràng.

Ông Quý cũng kiến nghị với các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan Trung ương tăng cường kiểm tra công tác an toàn tại các bệnh viện thuộc chuyên môn quản lý.

Về tình trạng còn hàng quán buôn bán “nhếch nhác” tại các cổng bệnh viện tạo ra nguy cơ lây nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến an toàn trật tự, ông Quý yêu cầu các quận huyện phối hợp với các cơ sở y tế cho kiểm tra, xử lý ngay.

Đối với các kiến nghị của bệnh viện về cơ chế giá còn thấp, mua sắm vật tư y tế... Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Nội cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong các bệnh viện và thành phố sẽ có báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục