COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm người dễ tổn thương

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 9/10 đến 17 giờ ngày 10/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.528 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 3.513 ca ghi nhận trong nước (giảm 999 ca so với ngày trước đó) tại 41 tỉnh, thành phố; có 1.211 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Thành phố Hồ Chí Minh (595 ca), Sóc Trăng (192 ca), An Giang (180 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Đồng Nai (87 ca), Cần Thơ (23 ca), Trà Vinh (21 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.435 ca/ngày.

Trong ngày 10/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 21.398 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 782.199 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca.

Trong ngày cũng ghi nhận 113 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (82 ca), Bình Dương (12 ca), Ninh Thuận (6 ca), Long An (4 ca), Đồng Nai (3 ca), Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 119 ca/ngày.

Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 20.555 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 7330/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về phí xét nghiệm COVID-19 đối với những người có bệnh mãn tính.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021; kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về việc này.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

[Đại dịch COVID-19 làm gia tăng tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm, lo âu]

Ngày 10/10, phát biểu tại hội thảo trực tuyến "Kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới," Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó.

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe; có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu.

Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với anh, chị, em, họ hàng, bạn bè… đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mọi người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Chiều 10/10, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức chào mừng và trao giấy chứng nhận cho bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 1.000 Ngô Thị Ngọc Hoài vừa khỏi bệnh ra viện, trở về đoàn viên cùng gia đình. Bệnh nhân Ngô Thị Ngọc Hoài, 33 tuổi, mang thai tuần 33 phải mổ cấp cứu bắt em bé. Đây là một trong những bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch ngay sau khi sinh, phải phẫu thuật thủ thuật.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, tiến hành lọc máu với tổng lượng máu gần 45,55 lít máu, chạy ẹp mô 45 ngày. Trải qua 64 ngày “chiến đấu” với dịch COVID-19, bệnh nhân đã khỏi bệnh và được trở về đoàn viên cùng gia đình.

Trung tâm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của Bệnh viện Quân y 175 bố trí 500 giường bệnh, với biên chế hơn 300 cán bộ, nhân viên y tế. Đến thời điểm này, Trung tâm đã điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân mức độ nặng và vừa, trong đó bệnh nhân nặng nguy kịch có hơn 100 bệnh nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục