Theo trang web thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 17/8, thế giới ghi nhận 21.880.049 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 773.888 ca tử vong.
Ngày 17/8, thêm nhiều vùng tại Tây Ban Nha đã đóng cửa các câu lạc bộ đêm, sau khi các quy định nhằm khống chế dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chính thức có hiệu lực.
Andalusia, vùng đông dân nhất của Tây Ban Nha, cùng với Galicia và Cantabria tại miền Bắc, Castilla và Leon ở miền Trung là những khu vực mới nhất áp dụng 11 biện pháp mới mà chính phủ công bố vào ngày 14/8 vừa qua nhằm ngăn số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Trước đó, các vùng La Rioja và Murcia cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp mới vào ngày 16/8.
Các biện pháp mới bao gồm đóng cửa các vũ trường, hộp đêm và sàn nhảy. Các nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa vào 1 giờ sáng và không được nhận khách từ nửa đêm.
[Thế giới có gần 22 triệu ca nhiễm, Ấn Độ là tâm dịch của châu Á]
Toàn bộ 17 chính quyền khu vực của Tây Ban Nha đã nhất trí áp dụng các biện pháp mới. Các quy định này còn bao gồm cấm hút thuốc tại các điểm công cộng ngoài trời, khi không thể duy trì giãn cách 2m cũng như giới hạn khách tới thăm nhà dưỡng lão.
Đáng chú ý, vùng Basque ở miền Bắc Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế trong ngày 17/8, qua đó cho phép chính quyền áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn so với các khu vực lân cận, do nguy cơ số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Tây Ban Nha hiện có tổng cộng gần 343.000 ca nhiễm, mức cao nhất tại khu vực Tây Âu. Trong 14 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm tại Tây Ban Nha là 115 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này tại Pháp là 45 ca, Anh (19 ca) và Đức (16 ca).
Tuy nhiên, phần lớn các ca nhiễm mới là những người không có triệu chứng và nguy cơ tử vong đã giảm đáng kể.
Kể từ khi chấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào ngày 21/6, Tây Ban Nha ghi nhận chưa tới 300 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 28.617 ca.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech cho biết Chính phủ Séc sẽ yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang kể từ ngày 1/9 khi di chuyển trên các phương tiện công cộng và tòa nhà công cộng.
Séc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Âu yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại phần lớn các địa điểm công cộng vào tháng 3, song đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm giảm xuống vào cuối mùa Xuân.
Tuy nhiên, số ca nhiễm tại nước này lại có xu hướng tăng lên lần nữa. Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech nhấn mạnh chính phủ coi đây là biện pháp phòng ngừa do tình hình dịch bệnh nhiều khả năng diễn biến phức tạp hơn vào mùa Thu, đặc biệt là sau ngày 1/9, thời điểm nghỉ Hè kết thúc và kỳ học mới bắt đầu.
Quy định mới sẽ yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại các cửa hàng, các khu vực chung tại trường học và trong các tòa nhà công cộng. Quy định này không áp dụng với công sở, nhà hàng và quán rượu.
Chính phủ cũng giảm thời gian cách ly xuống còn 10 ngày thay vì 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với người nhiễm.
Cho đến nay, Séc đã ghi nhận tổng cộng khoảng 20.000 ca nhiễm trong tổng số 10,7 triệu dân. Tổng số ca tử vong là 397 ca, khá thấp so với nhiều nước châu Âu khác.
Séc hiện vẫn còn 5.816 ca nhiễm song số người cần nhập viện điều trị tiếp tục giảm. Tính đến ngày 16/8, chỉ có 104 người mắc COVID-19 tại Séc phải nhập viện điều trị.
Bộ trưởng Y tế Liban Hamad Hassan ngày 17/8 khuyến cáo nhà chức trách nước này cần phong tỏa đất nước trong hai tuần sau khi ghi nhận số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay (với 439 ca vào ngày 16/8).
Trước khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8 ở Beirut khiến ít nhất 179 người thiệt mạng và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, Liban vốn chìm trong khủng hoảng tài chính đồng thời phải vật lộn với đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Hassan, Liban đang phải đối mặt với thách thức thực sự, đòi hỏi những biện pháp mang tính quyết định, do các khoa hồi sức cấp cứu tại cả bệnh viện công và bệnh viện tư đều đã hoạt động hết công suất.
Do đó, người dân phải luôn cảnh giác cao độ, cùng thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau vụ nổ kinh hoàng, Liban đang đối mặt với nguy cơ ngày một tăng về việc lây lan virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Liban ghi nhận tổng cộng 8.881 ca mắc COVID-19, trong đó có 103 ca tử vong.
Cũng trong ngày 17/8, các quan chức y tế Ireland sẽ nhóm họp để quyết định liệu có áp dụng thêm biện pháp nào để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 hay không. Theo kế hoạch, Ireland sẽ dỡ bỏ phong tỏa tại 3 khu vực bị ảnh hưởng vào 24 giờ ngày 23/8 tới.
Cùng ngày, các thánh đường, nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác tại Uzbekistan đã được mở cửa trở lại sau gần 5 tháng đóng cửa.
Theo ủy ban đặc biệt phòng, chống COVID-19 Uzbekistan, các cơ sở tôn giáo này cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, găng tay, giãn cách xã hội cũng như đo thân nhiệt.
Uzbekistan bắt đầu nới lỏng phong tỏa giai đoạn 2 từ ngày 15/8, trong đó có khôi phục các tuyến đường sắt và đường hàng không nội địa, cũng như mở lại các khách sạn, quán càphê, nhà hàng, các trung tâm thể thao và bảo tàng.
Tính đến nay, Uzbekistan ghi nhận 35.513 ca mắc COVID-19, trong đó có 234 ca tử vong.
Trong bối cảnh Nam Phi dự định tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng COVID-19, Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa cảnh báo người dân cần tiếp tục cảnh giác cao độ.
Trong bài phát biểu hàng tuần, ông Cyril Ramaphosa nêu rõ việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế là dấu hiệu cho thấy tiến triển mà lực lượng chức năng đạt được trong việc giảm các ca nhiễm mới.
Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để ăn mừng khi dịch bệnh đã lây nhiễm cho hơn 1 triệu người dân Nam Phi, trong đó có 11.000 người tử vong.
Theo Thủ tướng Ramaphosa, hiện Nam Phi có số người mắc COVID-19 cao thứ 5 thế giới và làn sóng lây nhiễm mới hoàn toàn có thể xảy ra tại nước này như đã từng xảy ra ở New Zealand và một số khu vực tại châu Âu./.