Luật "phanh khẩn cấp" chống đại dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước Đức đã có hiệu lực từ cuối tuần qua và đa số người dân Đức được hỏi đều ủng hộ các biện pháp cứng rắn của chính phủ, kể cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, luật mới sẽ tự động có hiệu lực với bất cứ quận/huyện/thành phố nào ở Đức có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày vượt quá tỷ lệ 100/100.000 dân.
Bên cạnh đó, lệnh giới nghiêm cũng được áp đặt từ 22 giờ đến 5 giờ sáng và người dân chỉ có thể ra ngoài với lý do bất khả kháng. Ngoài ra, khi chỉ số vượt 165, tất cả trường học đều phải đóng cửa.
Kết quả khảo sát do viện thăm dò Civey thực hiện cho báo Spiegel cho biết có 2/3 số người Đức được hỏi đánh giá tích cực luật "phanh khẩn cấp" được áp dụng nhất quán trên toàn liên bang.
Khi Quốc hội liên bang thông qua luật mới hồi tuần trước, phe đối lập đã chỉ trích luật quá lỏng khi quy định chỉ đóng cửa các trường học với chỉ số lây nhiễm từ 165, trong khi luật lại quá chặt khi áp đặt giới nghiêm ban đêm, dù lệnh giới nghiêm cuối cùng đã chuyển sớm một giờ lên 10 giờ, trong khi vẫn cho phép một người đi dạo hoặc tập thể dục tới 24 giờ đêm.
Hiện đảng Dân chủ Tự do (FDP) đối lập đã tuyên bố khiếu nại việc áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm lên tòa án tối cao ở Karlsruhe. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò, có tới 56% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ lệnh giới nghiêm ban đêm, trong khi 38% phản đối.
[Bộ Y tế Đức hối thúc các bang chủ động thắt chặt hạn chế]
Theo luật trên, hiện chỉ còn 56 trong tổng số 412 quận/huyện/thành phố ở Đức có chỉ số lây nhiễm dưới mức 100 và chưa bị "phanh khẩn cấp."
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel ngày 26/4 thông báo Đức sẽ dỡ bỏ ưu tiên tiêm chủng COVID-19 chậm nhất vào tháng 6 tới và mọi người có nhu cầu sau đó đều có thể đặt lịch hẹn để tiêm chủng.
Tuyên bố được đưa ra sau hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Merkel với thủ hiến các bang thảo luận về chiến lược tiêm chủng. Cũng theo Thủ tướng Đức, tới cuối mùa Hè này, mọi công dân đều có thể được đề nghị tiêm chủng phòng COVID-19.
Hiện các nhóm ưu tiên số 1 (người từ 80 tuổi, người ở trại dưỡng lão, nhân viên y tế) và số 2 (từ 70-79 tuổi, bệnh nhân ung thư, giáo viên mẫu giáo và tiểu học) đều đã được tiêm, trong khi nhóm ưu tiên số 3 (từ 60-69 tuổi, người bán hàng siêu thị, lái xe buýt, nhân viên tư pháp, giáo viên...) đã được bắt đầu.
Chính phủ Đức cũng xem xét dành một số ưu tiên cho những người đã khỏi bệnh hoặc đã được tiêm chủng đầy đủ, như việc những người này không phải trình kết quả xét nghiệm âm tính khi đi mua hàng hoặc làm/cắt tóc. Quy định cụ thể về việc ưu tiên cho các đối tượng này sẽ được đưa ra vào ngày 28/5 tới.
Tính đến tối 26/4 theo giờ Đức, đã có 23,4% dân số Đức được tiêm phòng mũi thứ nhất (19,48 triệu người) và 7,2% được tiêm đầy đủ (5,96 triệu người).
Bên cạnh việc thực thi luật mới, Đức cũng đã bổ sung Ấn Độ vào danh sách các nước/khu vực có biến thể nguy hiểm và quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/4. Theo đó, chỉ công dân Đức hoặc người thường trú ở Đức mới được phép nhập cảnh từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, những người này cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi nhập cảnh và bị cách ly 14 ngày khi vào Đức.
Trước những khó khăn của Ấn Độ trong nỗ lực ứng phó với đại dịch bùng phát trên diện rộng, Chính phủ Đức tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết và sẽ hỗ trợ Ấn Độ chống dịch thông qua việc cung cấp oxy y tế, máy thở và thuốc men cho quốc gia này.
Theo Bộ trưởng Phát triển liên bang Đức Gerd Müller, Chính phủ Đức sẽ cung cấp một gói viện trợ cho Ấn Độ nhằm "ngăn chặn những điều tệ hại hơn nữa" xảy ra ở nước này, trước mắt là trang bị và lắp đặt hệ thống cung cấp oxy ở Đông Bắc Ấn Độ và mở rộng dây chuyền y tế để phân phối vaccine phòng COVID-19.
Theo thông báo của các cơ quan y tế Đức tối muộn 26/4, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 11.000 ca mắc mới và 149 ca tử vong.
Tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch ở Đức là trên 3,3 triệu người và 81.771 ca tử vong. Số người đang mắc COVID-19 trên cả nước hiện vào khoảng 305.000 người./.