Tờ Thời báo Nhật Bản đã đăng bài phân tích “Đại dịch COVID-19: Tháp Babel thời hiện đại” của ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại kiêm Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, về các tác động toàn diện của dịch COVID-19.
Nội dung bài viết như sau:
Cũng như các đại dịch tương tự trong quá khứ, COVID-19 có thể tạo ra những thay đổi bất ngờ về kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa, và làm thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử của loài người.
[Đức: Bệnh viện có thể quá tải, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh như Italy]
Trên thực tế, lịch sử cho thấy rằng dịch bệnh không chỉ tiêu diệt các đế chế quyền lực nhất mà còn dẫn tới sự thay đổi trong tiến trình của các cuộc đấu tranh chính trị, hệ thống kinh tế, giá trị xã hội và các ưu tiên khoa học.
Vì vậy, việc nghiên cứu các tác động tiềm tàng của COVID-19 đối với thế giới trong năm 2020 và các năm sau đó trong mối tương quan với các đại dịch trước đây là rất quan trọng.
Đại dịch lớn gần nhất là dịch cúm Tây Ban Nha - một trong những dịch bệnh gây chết người nhiều nhất trong lịch sử xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Đại dịch này, có 3 đợt chính, kéo dài từ năm 1918-1920.
Khởi nguồn từ Bắc Mỹ, đại dịch này đã lây lan cho 500 triệu người, chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới vào thời điểm đó, và giết hại khoảng 100 triệu người.
Một đại dịch khác có mức độ tàn phá khủng khiếp hơn đó là dịch hạch, hay thường được biết đến với tên gọi Black Death (Tử thần hắc ám/Cái chết đen).
Black Death xảy ra ở châu Âu vào giữa thế kỷ 14. Đại dịch này đã làm khoảng 200 triệu người ở Đông Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và phần còn lại của lục địa Á-Âu tử vong, trong khi dân số thế giới lúc đó chỉ là 500 triệu người.
Đại dịch này có ba tác động sau:
1.Về mặt kinh tế:
Black Death đã giết chết nhiều thanh niên và nông nô, khiến cho nền kinh tế thế giới suy thoái nhanh, dẫn tới sự chấm dứt của hệ thống thái ấp truyền thống ở châu Âu do sự thiếu hụt nhân lực trong ngành nông nghiệp.
Mặc dù tạo ra thách thức cam go cho các xã hội dễ bị tổn thương nhưng đại dịch này cũng đã giúp cải thiện tư cách của lực lượng lao động, những người sống sót sau dịch bệnh này.
Sự suy giảm mạnh mẽ của lực lượng lao động đã dẫn tới sự ra đời của các ngành mới sử dụng ít lao động hơn, và trớ trêu thay, đối với nhiều người châu Âu, thế kỷ 15 lại là kỷ nguyên của sự thịnh vượng và các cơ hội mới. Tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế thế giới khi đó không rõ ràng trong dài hạn.
2. Về chính trị:
Tác động chính trị của Black Death là nghiêm trọng hơn. Khởi nguồn từ Trung Quốc hoặc Trung Á, Black Death lây lan dọc theo con đường tơ lụa, tới Crimea vào năm 1343.
Sau đó, dịch bệnh này lây truyền sang khu vực Địa Trung Hải qua con bọ chét. Đại dịch này có thể đã gây ra sự sụp đổ của đế quốc Mông Cổ và Triều đại Mamluk ở Ai Cập.
Nếu COVID-19 tiếp tục kéo dài trong 1 năm, nó có thể gây tổn hại, nếu không muốn nói là tiêu diệt tính hợp pháp của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Sự nghiêm trọng của COVID-19 có thể tùy thuộc vào việc đại dịch này sẽ kéo dài trong bao lâu.
3. Về mặt văn hóa-xã hội:
Black Death đã châm ngòi cho tâm lý chống người Do Thái ở châu Âu. Nhiều người theo đạo Cơ Đốc tin rằng nguyên nhân dẫn tới đại dịch này là do sự tức giận của Chúa và cáo buộc người Do Thái đã đầu độc nguồn cung cấp nước trong nỗ lực hủy hoại nền văn minh châu Âu.
COVID-19 nhắc nhở chúng ta về câu chuyện Tháp Babel trong Chương 11 của Sáng thế ký. “Toàn bộ thế giới có cùng ngôn ngữ... Chúa đã giáng thế để ngắm nhìn thành phố và tháp này...”
Sau đó, tháp Babel bị sụp đổ. Thuật ngữ “có cùng ngôn ngữ” ám chỉ toàn cầu hóa trong thế kỷ 21. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, người ta cho rằng lịch sử đã chấm dứt và Trái Đất phẳng.
Thật không may, lịch sử chưa kết thúc và Trái Đất vẫn tròn. Các nền kinh tế có thể bị toàn cầu hóa chứ không phải các trái tim và khối óc.
Có 3 loại toàn cầu hóa: kinh tế, chính trị và văn hóa-xã hội. Mặc dù COVID-19 sẽ không đánh dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa về kinh tế nhưng đại dịch này đang làm chậm quá trình toàn cầu hóa về chính trị và khiến quá trình toàn cầu hóa về mặt văn hóa-xã hội hầu như không thể xảy ra, chí ít trong thời gian tới.
Tất cả những điều đó có ý nghĩa như thế nào với thế giới trong năm 2020? Tác động chính trị-xã hội của COVID-19 có thể sẽ rất có hại.
Các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay có thể sẽ phải từ chức, đơn thuần chỉ vì sự phân nhánh của đại dịch mới này đang quá mạnh đến nỗi nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mất đi tính hợp pháp của mình.
Tổng thống Trump là phiên bản 1.0 của ông ấy trong quá trình vận động tranh cử vào năm 2016. Sau khi trở thành Tổng thống, thật không may là ông ấy chưa bao giờ thành công trong việc phát triển thành phiên bản 2.0.
Trong lúc cuộc chiến chống COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu, ông Trump đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất với tư cách người quản lý khủng hoảng? Liệu ông ấy có thể trở thành phiên bản 3.0 hay không?
Có vẻ như ông Trump không phù hợp với việc quản lý khủng hoảng. Ông là người vận động vĩ đại, nhưng chưa bao giờ là một người quản lý khủng hoảng vĩ đại.
Trong lúc COVID-19 bùng phát ở Mỹ, Tổng thống Trump cho rằng “không có lý do gì phải hoảng sợ” bởi vì dịch COVID-19 đang “được giải quyết một cách chuyên nghiệp.”
Giờ đây, số lượng người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ở Mỹ đã vượt ngưỡng 200.000 và vẫn đang gia tăng chóng mặt.
Khi Tổng thống Trump đưa ra các tuyên bố lạc quan về cuộc chiến chống COVID-19, các tuyên bố này sẽ kết thúc với cụm từ nổi tiếng “hoặc có thể không” của ông ấy.
Ông Trump có vẻ như không thay đổi ngay cả khi đại dịch đang diễn ra trên toàn cầu. Ông ấy sẽ vẫn là phiên bản 1.0 của mình vào ngày bầu cử tháng 11 tới./.