COVID-19: Chuyện ở một khu trọ công nhân trong mùa dịch COVID-19

Thất nghiệp, không có tiền nhưng vẫn phải bám trụ lại các nhà trọ để chờ đến ngày đi làm là hoàn cảnh của nhiều công nhân tại các nhà trọ ở khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, Cần Thơ.
Nhiều công nhân ở trọ tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy gặp khó khăn vì nghỉ việc gần 2 tháng, không có thu nhập. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Dịch bệnh xảy ra, Cần Thơ giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7 đến nay.

Việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đã kéo theo hàng chục nghìn công nhân, người lao động thất nghiệp gần 2 tháng nay.

Nỗi niềm của công nhân

Từ Vĩnh Long sang Cần Thơ làm gia công cá cho doanh nghiệp thủy sản được hơn 1 tháng thì dịch bệnh ập đến, gần hai tháng nay, các bữa ăn hằng ngày của vợ chồng anh Lê Thanh Tân (công nhân khu công nghiệp Trà Nóc) phải tiết kiệm hết mức có thể với mỳ gói, rau củ, nước tương... từ hỗ trợ của nhiều người.

Anh Tân chia sẻ thu nhập không có, dịch bệnh chẳng biết còn kéo dài bao lâu, tiền cũng đã cạn, thực phẩm được cho nên anh cũng phải dè sẻn cho những ngày tới.

Thất nghiệp, không có tiền nhưng vẫn phải bám trụ lại các nhà trọ để chờ đến ngày đi làm là hoàn cảnh của nhiều công nhân tại các nhà trọ ở khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy.

Nhiều công nhân không có hợp đồng lao động nên không được hỗ trợ, họ muốn về quê để giảm bớt khó khăn nhưng không thể về được.

"Về thì phải cách ly ở quê 14 ngày, rồi quay lại chỗ làm cũng cách ly 14 ngày, mất rất nhiều thời gian nếu công ty hoạt động lại thì không đi làm được. Bám trụ lại thì nỗi lo chồng chất vì không việc, không lương, không biết ngày nào đi làm," chị Trịnh Thị Ngọc Loan, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.

Còn anh Phùng Phú Hơn, quê ở tỉnh Sóc Trăng ngậm ngùi cho biết gần hai tháng không đi làm, không có thu nhập cũng không được công ty hỗ trợ.

Bản thân anh Phú Hơn và hàng chục công nhân tại Tổ 4, Khu vực 2, phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) cũng không được hướng dẫn và cũng không biết mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP hay không.

Việc đếm ngày hết giãn cách càng trở nên dài và nặng nề hơn bởi bao lo toan đè nặng mỗi người bị kẹt lại ở dãy trọ, nhất là với những gia đình có con sắp bước vào năm học mới.

Mọi năm thời điểm này, có lương là chị Trương Phương Ánh (quận Bình Thủy) đã chuẩn bị mua sắm sách vở, quần áo cho con chuẩn bị tựu trường, nhưng năm nay, chị Ánh và chồng đều mất việc nên chưa có tiền lo cho con khi năm học mới cận kề.

"Mỗi lần con gọi điện thoại, tôi sợ nhất là câu nói chừng nào cha về, chừng nào cha gửi tiền qua cho con mua sách vở đi học. Nghe con nói, tôi buồn lắm, nhưng không dám khóc trước mặt con," anh Lê Thanh Tân (quê Vĩnh Long) chua xót.

Mong mỏi lớn nhất của các công nhân, người lao động như anh Tân, chị Loan, chị Ánh... lúc này là sớm được quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, nơi họ ở - phường Trà Nóc - đã bị phong tỏa từ chiều 23/8. Ngày trở lại nhà máy, xí nghiệp chưa biết đến khi nào đồng nghĩa với khó khăn của họ còn kéo dài.

[Hà Nội: Những tấm lòng sẻ chia với người dân xóm trọ Phúc Xá]

Dịch COVID-19 diễn biến phức, thành phố Cần Thơ đã 3 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tính đến chiều 27/8, Cần Thơ đã có 1.031 doanh nghiệp trên tổng số 1.090 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động với 65.872 lao động nghỉ việc (mất việc, tạm thời ngừng việc).

Cụ thể, có 157 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 92,35%) trên tổng số 170 doanh nghiệp trong khu chế xuất và công nghiệp tạm dừng hoạt động với 39.253 lao động nghỉ việc (chiếm 96,87% tổng số lao động làm việc trong khu chế xuất và công nghiệp); 874 doanh nghiệp (chiếm 95%) trên tổng số 920 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất và công nghiệp tạm dừng hoạt động, với 26.616 lao động nghỉ việc (90,6% tổng số lao động ngoài khu chế xuất và công nghiệp).

Dìu nhau qua khó khăn

Ngày rằm tháng 7 âm lịch, mẹ con chị Nguyễn Ngọc Bích, trọ quận Bình Thủy "chơi sang" bữa cơm chay với vài món như: giả thịt quay, canh đậu hũ, sườn xào. Mỗi món được chị Bích phân chia ra vài chiếc bát, chiếc đĩa nhỏ để sẻ chia cho các gia đình ăn chay.

"Ở đây, ai có gì ăn cũng chia nhau mỗi người một ít. Nay mình ăn ngon thì chia cho mọi người cùng ăn. Ai cũng khó khăn, ai cũng thiếu ăn," chị Bích vừa đem đồ ăn sang phòng bên cạnh vừa cho hay.

Ở xóm trọ thuộc tổ 4, khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy có hàng chục công nhân đang cố bám trụ chờ ngày quay trở lại làm việc. Những con người bốn không (không việc, không lương, không nhà, không tiền trọ) giúp nhau từng hạt gạo, bó rau, bát nước tương cùng dìu nhau qua lúc khốn khó.

Bất chợt nghe tiếng gọi: "Chị Loan ơi, còn gạo cho em xin chén," chị Loan liền chạy vào phòng lấy gạo đưa cho hàng xóm.

Chị chia sẻ: "Ở đây ai cũng thiếu, ai cũng khổ. Mình còn hai bát gạo, hai gói mỳ thì mình chia nhau. Khi mình hết thì mình xin người khác. Chia sẻ, đùm bọc để cùng nhau vượt qua khó khăn. Cả xóm cùng nương tựa nhau sống, ai có thì chia đều với nhau. Như sáng nay, cô Huyền (hàng xóm) mới đi xin được ít quả mướp, đậu bắp cho tôi với mấy phòng bên."

Cô Huyền mà chị Loan nói đến là người đã có thâm niên mười mấy năm ở trọ, đi bán vé số, quán xuyến nội trợ cho con đi làm khu công nghiệp. Mùa dịch này, cả ba mẹ con cô thất nghiệp nhưng hễ ai cho bó rau, quả mướp, quả dưa,... cô đều chia cho mỗi phòng một ít.

San sẻ nhau bát cơm, chút đồ ăn, các công nhân ở nhà trọ dìu nhau qua mùa dịch khó khăn, thiếu thốn. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Khu vực 4, phường Trà Nóc có khoảng 40 phòng trọ, với hàng trăm công nhân, người lao động tá túc mưu sinh. Thấu hiểu trước những khó khăn mà công nhân đang trải qua trong mùa dịch này, nhiều chủ nhà trọ đã miễn, giảm tiền phòng, đơn cử như nhà trọ "Chú Thăng," nhà trọ "Chú Lung"...

Chia sẻ về nghĩa cử này, ông Hoàng Văn Lung cho biết: "Dịch bệnh, công nhân không có việc làm, không về được nhà, đời sống khó khăn nên tôi miễn phí một tháng tiền trọ. Những ai còn thiếu tiền trọ thì tôi cho nợ, khi nào công nhân có việc làm thì trả."

Ngoài miễn phí tiền trọ, ông Lung còn kêu gọi bạn bè, người quen ủng hộ gạo, rau, củ quả để hỗ trợ, giúp đỡ công nhân.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Cần Thơ, đến chiều 27/8, có 451 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp ở 3 quận (Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn) và 2 huyện (Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh) được phê duyệt hỗ trợ với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 7.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng nặng đến đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là người lao động đang ở nhà trọ và các khu phong tỏa, cách ly, tiền lương không đủ trang trang trải cuộc sống, sinh hoạt phí; người lao động chưa tiếp cận được gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP.

Thời gian qua, công đoàn các cấp đã vận động, tổ chức các đoàn đến tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, các công nhân ở các khu trọ tại Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần nhỏ, hỗ trợ phần nào khó khăn cho người lao động.

Hiện nay, vẫn còn hàng nghìn công nhân lao động chưa thể tiếp cận được với nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Viễn cảnh dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp chưa thể mở cửa hoạt động trở lại khiến công nhân ở Trà Nóc nói riêng và công nhân ở Cần Thơ nói chung không dám nghĩ đến ngày mai.

Các công nhân chỉ hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, thành phố đạt được tình trạng bình thường mới để họ có thể quay trở lại làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục