Ngày 9/5, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sỹ Anthony Fauci, cho biết ông đã khuyến nghị nhà chức trách Ấn Độ áp đặt phong tỏa để phòng dịch COVID-19.
Trả lời trên chương trình This Week của kênh truyền hình ABC, ông Fauci nhấn mạnh: "Phải phong tỏa. Tôi cho rằng nhiều bang của Ấn Độ đã thực hiện việc này, nhưng các bạn cần phải phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Và một trong những cách để làm được điều đó là phong tỏa."
Trước đó, Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) cũng đã kêu gọi chính phủ nước này áp đặt một đợt phong tỏa "toàn bộ, được lên kế hoạch kỹ và có thông báo trước."
[Ấn Độ: Số ca nhiễm tăng mạnh làm tăng khả năng xuất hiện biến thể mới]
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ hiện đang trong tuần thứ 4 phong tỏa, với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn như tạm dừng các tuyến đường sắt ngoại ô, trong bối cảnh thiếu giường bệnh và oxy y tế.
Phát biểu trên truyền hình ngày 9/5, Thủ hiến New Delhi, ông Arvind Kejriwal, nhận định làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay rất nguy hiểm và cho biết ưu tiên của chính quyền là cứu sống người bệnh.
Trong những ngày qua, viện trợ quốc tế đã bắt đầu được đưa đến Ấn Độ để giúp quốc gia gần 1,4 tỷ dân này đối phó với làn sóng lây nhiễm đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Máy tạo ô xy, máy thở, vaccine và nhiều loại vật tư y tế khác từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức... đang được gấp rút chuyển tới quốc gia Nam Á này.
Công ty Eli Lilly and Co của Mỹ ngày 10/5 cho biết công ty đã ký các thỏa thuận với các nhà sản xuất dược phẩm của Ấn Độ - trong đó có Cipla, Lupin và Sun Pharma - để sản xuất và bán thuốc chữa viêm khớp baricitinib có tác dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại thuốc này kết hợp với thuốc kháng virus remdesivir để điều trị bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và cam kết ủng hộ mạnh mẽ New Delhi trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chính quyền và các cộng đồng tại Mỹ đã hưởng ứng bằng một khoản hỗ trợ chưa từng có tiền lệ với trị giá lên đến gần 500 triệu USD.
Khoản viện trợ nói trên gồm 100 triệu USD do chính quyền Tổng thống Biden cam kết, 70 triệu USD của hãng dược phẩm Pfizer và 450.000 liều remdesivir, được Chính phủ Mỹ mua với giá 390 USD/liều.
Một số công ty của Mỹ như Boeing và Mastercard thông báo mỗi công ty hỗ trợ 10 triệu USD cho Ấn Độ, Google đã cam kết hỗ trợ 18 triệu USD, trong khi Lực lượng chuyên trách toàn cầu bao gồm các giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu của Mỹ đã cam kết cung cấp các thiết bị y tế trị giá 30 triệu USD.
Ông Mukesh Aghi, Chủ tịch Diễn đàn Đối tác và Chiến lược Mỹ-Ấn (USISPF), bày tỏ hy vọng tổng viện trợ từ Mỹ dành cho Ấn Độ sẽ đạt gần 1 tỷ USD vào cuối tháng này./.