COVID-19: Chủ động ngăn chặn để hạn chế thiệt hại về người

WHO khuyến cáo các nước chuẩn bị nhân lực và vật lực dự trữ để ứng phó với những đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo, và đặc biệt thận trọng khi nới lỏng các hạn chế phòng dịch.
COVID-19: Chủ động ngăn chặn để hạn chế thiệt hại về người ảnh 1Nhà hát Opera Sydney phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19 tại Sydney (Australia), ngày 14/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sự lây lan của biến thể Delta trên toàn cầu đang khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng. Thống kê của trang worldometers.info cho thấy trong tuần tính đến ngày 20/7, tổng số ca tử vong toàn cầu tiếp tục tăng 1% (từ hơn 54.900 lên khoảng 56.000 ca) so với một tuần trước đó, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng 14% (từ hơn 3,12 triệu ca lên hơn 3,64 triệu ca).

Tính theo khu vực, báo cáo dịch bệnh hằng tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 20/7 chỉ ra Đông và Nam Á có tổng số ca tử vong tăng cao nhất với 12%, trong khi Tây Thái Bình Dương và châu Phi tăng 10%. WHO cũng cho biết trong 1 tuần qua, biến thể Delta đã được phát hiện thêm ở 13 quốc gia, đưa tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm biến thể này lên con số 124.

Các số liệu thống kê của WHO cho thấy trong hơn 1 tháng qua, số ca mắc COVID-19 diễn biến bệnh và tử vong tại các quốc gia có tiềm lực y tế yếu và tốc độ tiêm phòng chậm do thiếu vaccine thường cao hơn.

WHO chỉ ra số ca tử vong vì dịch bệnh tại châu Phi trong tuần thứ hai của tháng Bảy tăng tới 43% (từ 4.384 ca trong tuần trước đó lên 6.273 ca). Tuy nhiên, ngay cả con số này cũng chưa chắc phản ánh đúng thực trạng bởi tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 ở châu Phi cũng rất thấp.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho rằng tình trạng số ca tử vong tăng mạnh tại châu Phi xảy ra trong 5 tuần qua là dấu hiệu rõ ràng cảnh báo rằng các năng lực đáp ứng điều trị của hệ thống y tế các quốc gia chịu tác động đang đến ngưỡng.

Về chủ quan, các hệ thống y tế quốc gia yếu kém, tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, nguồn cung, thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 nặng, cùng với ý thức lơ là cảnh giác trước dịch bệnh của người dân đang đẩy các quốc gia châu Phi vào tình trạng nguy cấp.

Về khách quan, số ca tử vong tăng song song với một số yếu tố như thiếu vaccine trầm trọng, biến thể Delta lây lan mạnh, đến nay đã lan ra hơn 20 quốc gia châu Phi. Mới có khoảng 3% dân số châu Phi được tiêm vaccine mũi đầu, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tới hơn 50%.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Phi từng dự báo số ca tử vong vì COVID-19 tại châu Phi có thể lên tới hàng trăm nghìn người trong vài tháng khi “lục địa đen” đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ ba với số ca mắc mới tăng kỷ lục.

[WHO cảnh báo về nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm]

Ở Đông Nam Á, quốc gia có tỷ lệ ca tử vong trên 1 triệu dân cao nhất hiện đang là Indonesia với 29 ca, tăng 26% so với giai đoạn 7 ngày trước đó. Giới chuyên gia nhận định Indonesia đang dần trở thành tâm dịch mới của thế giới khi lần lượt xếp cao hơn Ấn Độ về số ca mắc mới (hiện đã hơn 50.000 ca/ngày) và có ngày ghi nhận hơn 1.300 ca tử vong.

Tuần qua nước này ghi nhận 334.529 ca mắc mới, tức là cao nhất thế giới, và 7.981 ca tử vong (thứ hai thế giới sau Brazil). Đến ngày 21/7, số ca tử vong tại Indonesia là hơn 76.200 ca.

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Griffith (Australia) Dicky Budiman, hiện là cố vấn về dịch bệnh tại Indonesia, nhận định với sự xuất hiện của biến thể Delta, nước này giờ mới đang tiếp cận đỉnh dịch và tình hình hiện như "giọt nước tràn ly". Số ca mắc mới ở Indonesia tăng mạnh kể từ sau lễ Eid al-Fitr của Hồi giáo diễn ra giữa tháng Năm, khi người dân bất chấp các lệnh cấm di chuyển để về quê đón lễ.

Chuyên gia Dicky Budiman cho rằng:“Khi biến thể Delta kết hợp với di chuyển tự do và tình hình chưa được kiểm soát, tạo ra một môi trường thuận lợi cho virus tiếp tục lây lan và biến đổi.”

Sau khi số ca mắc tăng mạnh, chỉ khoảng 2 tuần các bệnh viện tại Indonesia bắt đầu quá tải, từ nhân lực đến vật lực, thiếu giường bệnh và thiếu oxy khiến nhiều người bệnh phải tự cách ly điều trị ở nhà và khi bệnh trở nặng, họ không được chăm sóc kịp thời, dẫn đến tử vong ngay tại nhà.

COVID-19: Chủ động ngăn chặn để hạn chế thiệt hại về người ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv (Israel), ngày 12/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo giới chuyên gia, để xảy ra tình trạng người bệnh tử vong khi tự cách ly ở nhà chính là dấu hiệu cảnh báo “hệ thống y tế đang sụp đổ” trước sự tấn công của COVID-19. Indonesia đang nỗ lực để có đủ vaccine đạt mục tiêu tiêm cho hơn 181 triệu người trên tổng số 270 triệu dân trước tháng 3/2022. Đến nay, mới có khoảng 15,6 triệu người (5,8% dân số) được tiêm đủ 2 mũi.

Giáo sư Budiman cho biết bên cạnh nguyên nhân là tiến độ phân phối vaccine tới các hòn đảo trên cả nước còn chậm thì tâm lý do dự của người dân cũng đang cản trở chương trình tiêm chủng tại Indonesia, khi ít nhất 25% người dân Indonesia không muốn tiêm phòng.

Các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Argentina cũng nằm trong nhóm có số ca tử vong cao, tuần qua đều ở mức 4 chữ số, như Brazil ghi nhận hơn 8.000 ca. Giới chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chính là các biến thể lây lan nhanh, tỷ lệ tiêm phòng ở mức thấp, các thành phố đông đúc dân cư, hệ thống y tế yếu kém và tỷ lệ người bị bệnh nền như béo phì cao hơn trung bình toàn thế giới.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Geci de Souza Junior, Giám đốc bệnh viện Công nhân Curitiba, Brazil, ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân ngày càng sa sút khiến tình trạng trở nên phức tạp hơn.

Tại châu Âu, riêng Nga ghi nhận hơn 5.400 ca tử vong trong 7 ngày qua, khi biến thể Delta tấn công và tỷ lệ người dân đi tiêm chủng vẫn chưa cao. Trong khi đó, ở cả các quốc gia giàu có, nơi hơn 50% dân số đã được tiêm phòng, thì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tại những địa phương chưa có nhiều người tiêm cũng đang gia tăng.

Anh tuần qua ghi nhận 329.337 ca mắc mới, chủ yếu mắc biến thể Delta, cao nhất châu Âu và thứ hai thế giới, và 342 ca tử vong. Tính tỷ lệ thì con số này đã tăng 61% so với tuần trước.

Từ cuối tháng Sáu, các bang ở Mỹ như Florida, Arkansas, Missouri, Nevada và Louisiana đều ghi nhận số ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong chủ yếu ở nhóm chưa được tiêm. Hơn 80% số ca mắc mới ở Mỹ do biến thể Delta.

Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Washington ở St. Louis nhận định khi biến thể Delta xuất hiện, tại Mỹ dịch bệnh diễn biến theo 2 hình thái, một là những người chỉ có triệu chứng nhẹ như cúm mùa ở nhóm đã được tiêm và tình trạng nguy hiểm chết người ở nhóm chưa được tiêm.

Mark Williams, chuyên gia từ Đại học Khoa học y dược Arkansas cảnh báo biến thể Delta, đang đẩy nước Mỹ bước vào thời kỳ dịch bệnh nguy hiểm, trong đó tỷ lệ ca mắc mới ở nhóm chưa tiêm sẽ lên cao hơn mức từng ghi nhận trong đợt bùng phát hồi mùa Đông vừa qua.

WHO cũng cảnh báo đại dịch chưa đến đoạn kết bởi nguy cơ xảy ra tình huống khẩn cấp còn cao hơn với khả năng xuất hiện thêm các biến thể mới nguy hiểm hơn và còn khó kiểm soát hơn. Nếu không đủ vaccine để tiêm cho hơn 70% dân số mỗi nước, giới khoa học lo ngại biến thể Delta sẽ tiếp tục biến đổi, lây lan nhanh hơn, khiến tỷ lệ tử vong cao hơn.

Trong bối cảnh đó, giảm thiểu số người mắc vẫn là lựa chọn hàng đầu, nhất là những nước tiềm lực y tế chưa mạnh. Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Phi lưu ý khi chưa đủ vaccine, các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và mở rộng tuyên truyền về các biện pháp này sẽ giúp châu Phi tránh được "thảm kịch" của Ấn Độ hồi đầu năm khi các bác sỹ phải đưa ra những lựa chọn sinh tử.

Còn tại các quốc gia phát triển, ngay cả khi tỷ lệ tiêm phòng đã ở mức cao, giới chuyên gia liên tục đưa ra những cảnh báo rằng tâm lý chủ quan cho rằng dịch bệnh sắp kết thúc có thể đảo ngược mọi thành quả có được.

Thay vì chủ quan “như thể dịch bệnh đã qua,” WHO khuyến cáo các nước vẫn cần phải chuẩn bị nhân lực và vật lực dự trữ để ứng phó với những đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo do biến thể và đặc biệt thận trọng khi nới lỏng. Xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và nâng cao hiệu quả điều trị có thể hạn chế tối đa tình trạng ca bệnh chuyển từ nhẹ sang nặng và từ nặng đến tử vong.

Một chiến lược chủ động ngăn chặn, phòng chống COVID-19 từ xa sẽ là giải pháp ít tốn kém để hạn chế thiệt hại về người do những biến thể nguy hiểm như Delta./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục