COVID-19: Amazon dùng camera cảm biến nhiệt để phát hiện người bị sốt

Amazon sử dụng camera cảm biến nhiệt để phát hiện người lao động bị sốt có thể do nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 để không phải đóng cửa các kho hàng.
Một chi nhánh của Amazon tại New York, Mỹ ngày 30/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty thương mại điện tử Amazon.com Inc (Mỹ) đã bắt đầu sử dụng các máy ghi hình (camera) cảm biến nhiệt để nhanh chóng phát hiện những lao động bị sốt, có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các camera có thể đo được mức nhiệt tỏa ra xung quanh người lao động giúp giảm thời gian và sự tiếp xúc so với sử dụng thiết bị đo thân nhiệt cầm tay.

Amazon đã phát hiện và thông báo về những ca mắc COVID-19 trong đội ngũ nhân viên làm việc tại hơn 50 nhà kho ở Mỹ của Amazon.

Điều này khiến các lao động lo ngại về nguy cơ mắc COVID-19 và các nghiệp đoàn đã kêu gọi Amazon phong tỏa các tòa nhà văn phòng, cơ sở hoạt động có người lao động mắc COVID-19.

Việc sử dụng camera cảm biến nhiệt nói trên cho thấy Amazon - doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thứ hai nước Mỹ - đang thực hiện các giải pháp để ứng phó dịch COVID-19 mà không phải đóng cửa các kho hàng có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

[Dịch COVID-19 làm lộ ra những hạn chế của Amazon tại Whole Food]

Các bang ở Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Amazon cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng trên toàn quốc trong giai đoạn áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

Tuy vậy, Amazon đã đóng cửa tạm thời 6 trung tâm thực hiện đơn hàng tại Pháp – một trong những hệ quả lớn nhất của việc không thống nhất quan điểm với người lao động về nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khác, trong đó có Tyson Foods Inc and Intel Corp, cũng đã sử dụng công nghệ camera cảm biến để phát hiện các trường hợp mắc COVID-19.

Hệ thống camera này, đã được sử dụng rộng rãi tại các sân bay ở châu Á sau khi Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát hồi năm 2003, có giá từ 5.000-20.000 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục